Vụ án đất “vàng”vào tay tư nhân tại Bình Dương: Chặt thêm nhiều vòi “bạch tuộc”
Sau gần 1 tháng điều tra bổ sung, Cục Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam thêm nhiều bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ các sở ngành tỉnh này.
>> Đề nghị xem xét kỷ luật Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam
Khởi tố thêm 4 bị can…
Theo đó, ngày 24/11/2021, C03 cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 bị can, gồm: Hà Văn Thuận, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương; Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Vũ Thị Lợi, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện là Phó phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh này; và Hồ Đắc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam.
Đáng chú ý, đây là kết quả sau gần 1 tháng điều tra bổ sung vụ đất “vàng” của nhà nước rơi vào tay tư nhân ở Bình Dương, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam thêm nhiều bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ các sở ngành tỉnh này.
Theo thông tin từ C03, cả 4 bị can trên cùng bị điều tra về tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự. Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra vụ án chuyển nhượng đất “vàng” có nguồn gốc đất nhà nước tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) và một số đơn vị liên quan.
Vụ án này được Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, điều tra vào cuối năm 2019, sau đó chuyển hồ sơ đến C03 điều tra theo thẩm quyền. Đến tháng 8/2021, C03 đã hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 21 bị can liên quan. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một số nội dung.
Tính đến thời điểm hiện tại, C03 đã khởi tố điều tra 25 bị can, trong đó có nhiều bị can là cựu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Dương, gồm: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…
Theo hồ sơ vụ án, Tổng công ty Bình Dương là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Trong giai đoạn 2010 - 2017, gắn với quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đã cố ý chỉ đạo chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú 43 ha cho công ty tư nhân, trái với quy định pháp luật và điều lệ của Tổng công ty Bình Dương, gây thiệt hại số tiền hơn 302 tỉ đồng. Đồng thời, bị can Minh còn đưa khu đất 145 ha khác (liền kề khu 43 ha) vào diện góp vốn với doanh nghiệp khác mà không tiến hành định giá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước với số tiền hơn 1.160 tỉ đồng (Thanh Niên ngày 24 - 25.10.2019 phản ánh qua loạt bài Phi vụ thâu tóm 145 ha đất “vàng” ở Bình Dương. Tổng cộng, hành vi của bị can Minh và các đồng phạm trong vụ án gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 1.463 tỉ đồng.
Trong vụ án này, C03 xác định bị can Nguyễn Văn Minh có vai trò chủ mưu, cầm đầu, song việc để bị can này thực hiện chuỗi hành vi trái pháp luật là có sự tiếp tay đắc lực của nhiều sở, ngành thuộc tỉnh Bình Dương, đặc biệt là một số cán bộ giữ vai trò chủ chốt của tỉnh này.
Nhiều lãnh đạo tiếp tay
Đáng chú ý, vụ án này được xác định có sự tiếp tay của cựu Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Liêm, khiến cả 2 đều bị bắt để mở rộng điều tra về hành vi gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 1.463 tỉ đồng.
>>Bộ Công an bắt tạm giam cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam
Cụ thể, sau khi đồng ý cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp và 43 ha đất “vàng” cho Công ty CP bất động sản Âu Lạc, 18 tháng sau Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ thu hồi chủ trương để “tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan”.
Đơn cử, ngày 17/4/2017, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy. Tham gia cuộc họp còn có ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư thường trực; ông Trần Thanh Liêm, Phó bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Sau cuộc họp này, ngày 20.4.2017, ông Phạm Văn Cành đã ký Thông báo kết luận số 287-TB/TU: “Đồng ý chủ trương giao cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương (viết tắt là Tổng công ty Bình Dương) được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc. Tổng công ty Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền đúng quy định”.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 10/10/2018, ông Trần Văn Nam tiếp tục chủ trì cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy (thành phần tham dự vẫn có ông Phạm Văn Cành, ông Trần Thanh Liêm), sau đó ông Phạm Văn Cành ký luôn thông báo kết luận ngay trong ngày với nội dung: “Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc tại Thông báo số 287-TB/TU ngày 20/4/2017, để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy”.
Như vậy, vụ án đất “vàng”vào tay tư nhân tại Bình Dương sau gần 1 tháng điều tra bổ sung, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã chặt thêm nhiều vòi “bạch tuộc”, thông qua việc khởi tố, bắt tạm giam thêm 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ các sở ngành tỉnh này.
Dự án 43 ha khu đô thị, thương mại, dịch vụ Tân Phú (thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) ban đầu do Công ty 3/2 (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) quản lý vào năm 2004. Ngày 1/7/2010, Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương xin chủ trương để hợp tác với Công ty cCổ phần Bất động sản Âu Lạc để thành lập liên doanh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với mục đích là đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha. Trong đó, Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương góp 60 tỉ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc góp 140 tỉ đồng (chiếm 70% vốn điều lệ). Sau khi xem xét, đánh giá đề nghị của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương, ngày 17/8/2010 Tỉnh ủy Bình Dương đã có công văn đồng ý với chủ trương này. Đến năm 2017, Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương tiếp tục xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú cho Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc để tập trung vốn thực hiện dự án. Sau khi xem xét, thường trực Tỉnh ủy cũng đã đồng ý với chủ trương chuyển nhượng phần góp vốn 30% (tương ứng 60 tỉ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 10/10/2018, Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương lại tiếp tục có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin điều chỉnh phương án sử dụng đất, trong đó có phần góp vốn với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc để thành lập công ty liên danh bằng quyền sử dụng đất chứ không phải bằng tiền. Cũng trong ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã có thông báo số 512 về việc thu hồi chủ trương cho Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương góp vốn 30% tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú để kiểm tra làm rõ quá trình góp vốn của công ty. |