Vụ “móc ngoặc, thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19: Có thể xử kịch khung
Dư luận cho rằng, sau vụ "thổi giá" kit xét nghiệm của giám đốc Phạm Duy Tuyến bị phanh phui, sắp tới sẽ còn nhiều người phải tra tay vào còng, bởi Công ty Việt Á không chỉ làm ăn với CDC Hải Dương…
>>“Đục nước béo cò”: Vô cảm hay tội ác?
Theo đó, vụ Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến thông đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thổi giá kít xét nghiệm COVID-19 để nhận hoa hồng gần 30 tỷ đồng vừa được phanh phui đã làm rúng động dư luận những ngày qua. Đáng chú ý, đến nay, Công ty Việt Á được xác định đã bán loại kít test (xét nghiệm) này cùng một số sinh phẩm khác cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và cơ sở y tế tại 62 tỉnh, thành. Giá trị cung cấp kit test từ vài trăm triệu, vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng…
Đã cung cấp 219 gói thầu
Theo kết quả thống kê của Diễn đàn Doanh nghiệp, từ thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam (tháng 1/2020) đến nay, Công ty Việt Á được các chủ đầu tư, bên mời thầu trong cả nước công bố trúng 219 gói thầu thông qua chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh và đấu thầu, chủ yếu các gói thầu đều liên quan đến cung cấp hóa chất sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể trong đó có 73 gói thầu do 29 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở các địa phương mời thầu và công bố kết quả. Đa số các gói thầu này đều được chỉ định thầu rút gọn. Một số gói thầu có giá trị lớn được chỉ định thầu cho Công ty Việt Á như: Gói thầu số 1 Hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm khẳng định phát hiện virus SARS-CoV-2 (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp mời thầu, giá chỉ định 89,812 tỷ đồng, chỉ định tháng 9/2021); Gói thầu Mua sắm sinh phẩm thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng mời thầu, giá chỉ định 41,462 tỷ đồng, chỉ định tháng 12/2020); Gói thầu Cung ứng sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương mời thầu, giá chỉ định 35,31 tỷ đồng, chỉ định tháng 3/2021)…
Có một số ít gói thầu hóa chất sinh phẩm phục vụ xét nghiệm COVID-19 được đấu thầu rộng rãi và Công ty Việt Á trúng thầu như: Gói thầu 3 Mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm khẳng định SAR-CoV-2 (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước mời thầu, giá trúng thầu 10,477 tỷ đồng, trúng thầu tháng 6/2021); Gói thầu Mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư lấy mẫu phòng chống dịch COVID-19 các tháng cao điểm tiếp theo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (giá trúng thầu 13,167 tỷ đồng, trúng thầu tháng 12/2020)…
Trong số 29 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở các địa phương đã lựa chọn Công ty Việt Á trúng thầu các gói thầu hóa chất sinh phẩm phục vụ xét nghiệm COVID-19 thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng công bố trúng 7 gói thầu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh: Nam Định, Kon Tum công bố trúng 5 gói thầu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương: Đà Nẵng, Hà Giang, Hải Dương, Kiên Giang công bố trúng 4 gói thầu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương: Cà Mau, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh công bố trúng 3 gói thầu.
>>Vụ "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19: Đại gia bí ẩn và hành trình trúng thầu
Có thể xử kịch khung
Trở lại vụ việc tại Hải Dương, theo cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, bước đầu đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, trong đó gần 30 tỷ đồng là số tiền phần trăm ngoài hợp đồng đã chi cho ông Phạm Duy Tuyến.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông luật cho rằng, hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại Trung tâm CDC Hải Dương theo như thông tin từ phía cơ quan điều tra là hành vi đáng lên án, táng tận lương tâm.
Phân tích về số tiền “lại quả” mà giám đốc trung tâm này trục lợi được, theo luật sư Diệp Năng Bình, số tiền hưởng lợi này là rất lớn và trường hợp cơ quan điều tra xác định được việc đưa nhận tiền trong những tình huống này có dấu hiệu thoả mãn cấu thành Tội đưa hối lộ Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) và Tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì Giám đốc CDC Hải Dương có thể bị truy cứu thêm về Tội nhận hối lộ trong vụ việc này với mức xử lý nghiêm khắc, có thể là kịch khung.
Tuy nhiên, Giám đốc CDC Hải Dương nếu khắc phục hoàn toàn thì có thể không bị xử kịch khung. Luật sư Bình dẫn quy định tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/ 2021, người phạm tội tham ô tài sản nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Ví dụ như hình phạt cao nhất của khung là tử hình thì sẽ không áp dụng hình phạt này.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, qua vụ việc này, có thể thấy, thực tiễn công tác quản lý trang thiết bị y tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc mua bán trang thiết bị y tế trở lên cấp bách và áp dụng các biện pháp rút gọn hơn thì nguy cơ phát sinh tiêu cực cũng sẽ cao hơn. Thời gian qua, có nhiều vụ án liên quan đến việc mua bán trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng làm rõ.
Để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực này theo Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy định pháp luật trong việc quản lý trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo sự minh bạch tài chính và thu chi, đặc biệt cần xử lý nghiêm minh nếu phát hiện ra sai phạm.
“Trong thời điểm dịch bệnh đang nguy hiểm, đã có những sự việc xảy ra làm nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy. cần phải có sự giám sát nghiêm khắc hơn không chỉ đối với Hải Dương mà là tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước....”, luật sư Bình nói.
Bên cạnh đó, cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, cần siết lại các quy định về hệ thống cơ quan giám sát và tăng trách nhiệm của việc giám sát trong thu chi mua bán trang thiết bị y tế.
Có thể bạn quan tâm