Vụ “thổi giá” kit test COVID-19: Cần làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan
Trước sự trục lợi bất chính từ việc “thổi giá” kit xét nghiệm gây phẫn nộ dư luận những ngày qua, dư luận cho rằng, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan.
>>Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á
Theo Bộ Y tế, việc cấp phép lưu hành kit test của Việt Á trên cơ sở căn cứ vào ý kiến của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2. Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ KH-CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á.
Tuy nhiên, quy trình cấp phép lưu hành kit test của Công ty Việt Á có những bất thường. Bởi ngày 3/3/2020, Hội đồng KH-CN quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit RT-PCR do Công ty Việt Á phối hợp Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất. Trước kiến nghị trên, ngay hôm sau, 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Việt Á.
Lý giải về sự cấp phép rất nhanh, Bộ Y tế cho biết “việc cấp phép này đảm bảo đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới” nhưng thực tế vào thời điểm đó, tại nước ta số ca mắc COVID-19 chưa nhiều.
Về giá của bộ kit test, Bộ Y tế cho rằng “theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá”. Nhưng, ngay từ đầu họp báo giới thiệu về bộ kit test này (ngày 5/3/2020), ông Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã tự định giá bộ kit test này có giá 400.000-600.000 đồng.
Và, kể từ khi Công ty Việt Á tự công bố giá cho đến ngày 13/7/2021, khi Bộ Y tế có văn bản số 5583 do ông Nguyễn Minh Tuấn (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, khả năng cung ứng và giá bán kit test, thì kit test của Việt Á luôn đứng ở vị trí số 1 trong danh sách. Kèm theo công văn của Bộ Y tế là giá bán công bố của bộ kit này 470.000 đồng/bộ, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 bộ... Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là Bộ Y tế căn cứ vào những điều kiện, quy định nào để “ưu ái” đưa kit test của Công ty Việt Á luôn ở vị trí số 1 và giá bán là 470.000 đồng/bộ?
Trong khi đó, kết luận điều tra vụ án, Bộ Công an chỉ rõ: “Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng ở Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit test”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng chính là người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng vào tháng 11/2021 vừa qua. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cho rằng đã “cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu” và từ tháng 9/2021, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và sở y tế các tỉnh thành rà soát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế chống dịch. Tuy nhiên, khi việc thanh kiểm tra chưa đem lại kết quả thì Bộ Công an đã khởi tố vụ án và nhiều bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á và CDC Hải Dương”.
Như vậy, trong vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi Bộ Y tế đã thanh kiểm tra không phát hiện ra sai phạm hay là có phát hiện nhưng... bỏ qua?
>>Giám đốc Công ty Việt Á đã “thổi” giá kit xét nghiệm COVID-19 thế nào?
Đáng chú ý, trước đó, trong ngày 20/12, trên website của Bộ KH-CN (www.most.go.vn), thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Việt Á đã bị gỡ bỏ.
Về lý do, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các khối ngành kinh tế - kỹ thuật, trả lời rằng: Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Việt Á. Thực chất WHO chỉ mới “chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng”, chứ không phải “chấp thuận sử dụng”. Đây là “sơ suất” của Bộ KH-CN. Về việc kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa vào sử dụng phòng dịch, theo ông Hùng, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.
Trong khi đó, ngày 26/4/2020, Bộ KH-CN ra thông báo nêu rõ: “Ngày 24/4/2020, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”. Thông tin này được báo chí Việt Nam đăng tải rất nhiều và đăng công khai trên website của Bộ KH-CN ngay ở thời điểm đó. Nhưng thực tế, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ kit test Covid-19 của Việt Á là: “Not Accepted - Không được chấp nhận”.
Như vậy, EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi Việt Á đăng ký thẩm định với WHO, không liên quan gì đến việc bộ kit xét nghiệm này được chính thức cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả. Chắc chắn, cùng với việc công bố công khai “Not Accepted - Không được chấp nhận”, WHO đã có thông báo trực tiếp tới Việt Á, Bộ KH-CN, Bộ Y tế, cùng các đơn vị liên quan. Nếu có sự nhầm lẫn như ông Trịnh Thanh Hùng nói ở trên, vậy vì sao sau khi nhận được công bố phản hồi của WHO, Bộ KH-CN và Bộ Y tế vẫn không hề có động thái nào sửa sai? Cho đến khi vụ việc tại Công ty Việt Á bị Bộ Công an phanh phui, Bộ KH-CN mới rút thông tin nói trên và cho rằng có sự “nhầm lẫn”.
Lãnh đạo Bộ KH-CN và các cơ quan liên quan cần sớm trả lời rõ cho dư luận những vấn đề liên quan. Liệu chăng chỉ đơn giản là “sơ suất” hay “nhầm lẫn” ở vụ việc này?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc Trong vụ việc thông tin sai sự thật về việc "WHO và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho kit test COVID-19 của Công ty Việt Á", Bộ trưởng Bộ KH-CN và Bộ trưởng Bộ Y tế với trách nhiệm người đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các sai phạm xảy ra (nếu có) ở đơn vị mình quản lý, không thể nói vô can được. Bên cạnh việc điều tra, xử lý của cơ quan điều tra thì Thanh tra Chính phủ cần phải vào cuộc để làm rõ vụ việc. HĐND các địa phương; các cơ quan của Quốc hội; các đoàn đại biểu Quốc hội cũng phải vào cuộc để xem xét, giám sát vụ việc này. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội): Một cá nhân không thể làm được Vụ việc này có dấu hiệu của "băng nhóm", đường dây thông đồng "thổi giá" để trục lợi chứ một cá nhân như ông Phan Quốc Việt không thể làm được. Riêng việc Bộ KH-CN đã rất nhanh chóng nghiệm thu đề tài và Bộ Y tế thì còn nhanh hơn khi cấp phép cho kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tôi nghĩ đây là dấu hiệu không bình thường khi có sự ứng xử đặc biệt như vậy. Cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra để tìm căn nguyên vụ việc dẫn tới bao nhiêu tỉnh, thành phải mua kit xét nghiệm với giá rất cao bất thường; xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân nào có hành vi "bảo kê", "chống lưng" - nếu có. |