Một luật sửa nhiều luật: Mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư
Việc ban hành một luật sửa 8 luật hiện hành sẽ tháo gỡ được những vướng mắc do luật pháp đặt ra một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
>>Ngày bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua 4 nội dung quan trọng, cấp bách
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, ngày 10/1.
Đồng thời cũng tạo ra sự đồng bộ giữa các luật, vì cùng một vấn đề có thể được quy định ở nhiều luật khác nhau, khi sửa đổi bổ sung sẽ tạo ra sự đồng bộ. Với dự thảo luật này, đại biểu Cường đánh giá cao đề nghị sửa đổi về phân quyền cho quyết định chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan có thẩm quyền, như UBND tỉnh hoặc các bộ trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B,C dùng vốn ODA, dự án PPP hoặc quyết định xây dựng nhà ở, các khu đô thị hay các chính sách tài chính tiền tệ... cũng được đề nghị phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý dự án đầu tư.
“Tôi rất đồng tình với chủ trương phân quyền này, điều đó đã thể hiện việc Chính phủ không ôm quyền về mình, mà giao quyền cho các đơn vị thực hiện. Chính phủ sẽ đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra cuối cùng, khi đó sẽ tách bạch giữa chỉ đạo với thực hiện. Lúc đó sẽ hiệu quả và tăng thêm được năng lực cho các cơ quan”, đại biểu Cường nói.
Đồng thời giải quyết được vấn đề đang bức xúc hiện nay, đó là việc tập trung vào Chính phủ nên phải “vòng đi, vòng lại” nhiều lần trong quá trình thay đổi trong chương trình điều chỉnh.
>>Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế
Đại biểu Cường cũng đồng tình với việc đề nghị sửa đổi các điều vướng mắc trong Luật Doanh nghiệp, vì có những điểm ghi trong Luật Doanh nghiệp chưa chính xác như thành viên, hội đồng thành viên. Cho nên, đại biểu Cường cho rằng việc sửa đổi này mang tính chất rất kỹ thuật để tháo gỡ những vướng mắc.
Ngoài ra, đại biểu Cường cũng nhận thấy cần phải sửa đổi quy định về vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Bởi vì theo đại biểu Cường, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh là doanh nghiệp nhà nước và phải thực hiện nhiệm vụ trực tiếp. Như vậy, khi thực hiện nhiệm vụ trực tiếp thì không nhất thiết phải là công ty mẹ, công ty con, miễn sao là phục vụ trực tiếp.
Do đó, đại biểu Cường đồng tình việc sửa đổi việc công nhận doanh nghiệp phục vụ trực tiếp. Riêng với doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, việc này phải tính là doanh nghiệp nhà nước nhưng không nhất thiết phải 100% vốn nhà nước.
“Bởi vì doanh nghiệp kinh tế quốc phòng có thể thực hiện quá trình cổ phần hóa. Do đó, việc sửa đổi này sẽ tác động rất tốt cho quá trình tái cấu trúc tại doanh nghiệp”, đại biểu Cường nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Cường cũng bày tỏ sự băn khoăn việc sửa đổi khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở.
Theo đại biểu Cường, với việc sửa đổi này thực chất đã mở rộng quyền cho những chủ đang sử dụng đất hợp pháp, trước đây chỉ có đất ở sau đó Luật Đầu tư sửa là có một phần đất ở, và đến lần này sửa đổi không cần đất ở chỉ cần đó là đất hợp pháp.
Việc sửa đổi này sẽ giải quyết được nhanh khi công nhận chủ đầu tư. Tuy nhiên, hậu quả gây ra là những thất thoát. Vì khi được công nhận chủ đầu tư và được thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì theo Luật Đất đai, người sử dụng đất đó chỉ cần trả tiền theo quy định luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số k.
Ví dụ, tại Hà Nội hiện nay hệ số k cao nhất là 2,15, bảng giá đất cao nhất là 168. Như vậy, dù có chuyển đổi suất đất giữ Bờ Hồ (Hà Nội) hay tại TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ thì cũng chỉ phải trả tiền đất là 312 triệu đồng/m2.
“Như vậy sẽ tạo ra sự thất thoát rất lớn về nguồn lực của nhà nước. chính vì vậy theo tôi việc này phải hết sức cân nhắc. Nếu sửa đổi thì chúng ta phải tính tiền đất theo giá trị thị trường”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Một vấn đề khác đại biểu Cường nêu ra, là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng tại dự án đầu tư. Như vậy, trong Luật Đầu tư công rất cần thiết phải tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư chung sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Bởi vì sau khi có quyết định đầu tư, chúng ta sẽ không lo ngại việc lách luật bằng cách trốn cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Khi đó còn tăng được rất nhiều lợi ích khi tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư chung để đánh giá chi phí trong quá trình xây dựng thực sự không bị “lẩn” vào giải phóng mặt bằng. Do đó, tôi đề nghị cần sớm tách dự án này”, đại biểu Cường kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Ngày bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua 4 nội dung quan trọng, cấp bách
16:01, 09/01/2022
Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế
10:30, 07/01/2022
Chính phủ báo cáo Quốc hội: Công ty Việt Á đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi
00:00, 06/01/2022
Chủ tịch Quốc hội: Phân bổ nguồn lực phải đúng, trúng, hiệu quả
20:37, 04/01/2022
Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
10:00, 04/01/2022