Lại “loạn” giá kit test nhanh COVID-19: Vì sao lặp lại “kịch bản” cũ?
Những ngày qua, giá kit test nhanh COVID-19 và một số thiết bị y tế giá tăng một cách chóng mặt. “Kịch bản” này lặp lại như câu chuyện khẩu trang y tế tại thời điểm dịch mới bùng phát tại Việt Nam…
>>Công bố Quyết định thanh tra việc mua kit xét nghiệm tại Bộ Y tế
Theo đó, sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn cũng như song song với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản về việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chỉ đạo trên được các bộ ngành, địa phương và người dân đón nhận và thực hiện.
Tuy nhiên, đối với cơ quan chức năng quản lý, nơi thì thực hiện đúng, nơi thì chưa chuẩn đã khiến cho mỗi nơi thực hiện một kiểu và được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong đợi. Đặc biệt, thời gian đầu, F0 được chăm sóc kịp thời nhưng sau đó thì lại bị bỏ lơ, chính thức "mất giá"!
Điển hình, câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hải (ở quận Long Biên, Hà Nội) như một minh chứng. Vào đầu tháng 1/2022, con gái ông Hải nghi bị dương tính với SARS-CoV2. Theo hướng dẫn, sau khi qua Bệnh viện đa khoa Đức Giang test PCR và cho kết quả dương tính (F0), ông Hải đã ra Trung tâm y tế phường khai báo nhưng phải 4 ngày sau, gia đình ông mới được ông Tổ trưởng dân phố mang đến Quyết định cách ly y tế và 1 tấm biển nhỏ với nội dung khu vực cách ly y tế. Ngoài ra, cán bộ y tế hay chính quyền địa phương không có bất kỳ hướng dẫn hay cấp phát thuốc cho bệnh nhân khiến cho gia đình ông Hải không khỏi lo lắng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi phát hiện mình “dính” F0. Tuy nhiên, khi anh gọi điện đến Trung tâm y tế xã khai báo và hỏi về thủ tục cách ly của địa phương thì được cán bộ của trung tâm hướng dẫn tự ở nhà chăm sóc sức khoẻ chứ không có hỗ trợ gì.
Để thoát được F0, anh Hưng đã áp dụng những kinh nghiệm vốn có của bản thân cùng với kiến thức truyền nhau trên mạng. Cứ như thế, tất cả các thiết bị, dụng cụ y tế, thậm chí cả thuốc điều trị anh cũng phải nhờ người thân mua qua mạng về tự uống.
May mắn hơn các trường hợp trên, anh Vũ Khánh Toàn (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chẳng may cũng bị dương tính với SARS-CoV2. Sau khi khai báo với Trung tâm y tế phường, anh và những người thân trong gia đình được nằm trong danh sách cấp phát thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 trong vòng 3 ngày. Mặc dù chỉ là những loại thuốc cảm cúm, trị viêm họng thông thường.
>>Thanh tra việc mua kit xét nghiệm tại Hà Nội
Có thể thấy, việc cơ quan chức năng hay chính quyền các cấp áp dụng thực hiện nội dung “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được chặt chẽ, nơi thì được quan tâm, nơi thì để cho người dân tự “bơi” tạo ra sự lộn xộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá các thiết bị, vật tư y tế lên cao khi mà F0 tăng mạnh.
Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh giá kit test tăng từ 15-20% so với trước và mỗi cửa hàng bán một giá khác nhau. Chị Ngọc Anh ở quận Cầu Giấy cho biết vừa mua một hộp loại Kit Standard Q test nhanh Covid-19 của Hàn Quốc với giá 62.000 đồng mỗi kit, một hộp hơn 1,5 triệu đồng. Nhưng cũng loại này, chị hỏi mua ở một cửa hàng khác thì giá là 70.000 đồng mỗi kit.
Chị Cao Thu Trang, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, do tiếp xúc với F0, ngày 20/2 chị mua 5 kit test nhanh với giá 60.000 đồng mỗi bộ. Hôm sau chị trở lại hiệu thuốc mua cùng loại kit test đó mức giá đã tăng lên 80.000 đồng. "Tâm lý vào hiệu thuốc thường là mua theo giá nhân viên thông báo, ít khi trả giá thấp hơn", chị Trang nói.
Theo khảo sát của PV trưa 22/2, chợ thuốc lớn nhất miền Bắc trên phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), đông người đến giao dịch. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chợ thuốc này không cho khách mua lẻ vào bên trong, chỉ tiếp đón đại diện các nhà thuốc và người mua buôn, có giấy chứng nhận.
Chiểu 22/2 tại phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), nơi được xem là “phố” mua bán thuốc, thiết bị y tế hỏi mua Kit test nhanh COVID-19, nhiều nhà thuốc, cửa hàng y tế lạnh lùng với câu trả lời: “Hết hàng!”, “Không có!” và “Hàng hiếm lắm!”...
Mãi khi đến một cửa hàng thuốc được xem gần như lớn nhất con phố này tôi mới mua được vài bộ Kit tets, nhãn hiện “TrueLine” với giá 70.000đ/test. Đây là bộ Kit test của Việt Nam, còn loại của Pháp và Hàn Quốc như vài ngày trước đây được các cửa hàng giao bán với giá tăng gấp đôi ngày thường cũng không còn. Vì ngay chiều 21/2, sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, các nhà thuốc, cửa hàng thiết bị y tế đã nhanh chóng “đẩy” hàng hoặc cũng có thể “găm” hàng chờ cơ hội bán tiếp.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí, đơn vị cũng đã nhanh chóng yêu cầu các đơn vị của Cục siết chặt công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở liên quan đến việc tăng giá các thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... Điển hình, trong ngày hôm nay (22/2) Đội QLTT số 12 cũng đang tiến hành kiểm tra tại Chợ thuốc Hapulico (ở quận Thanh Xuân).
“Liên quan đến kit test nhanh COVID-19, tại Việt Nam mới chỉ có hơn chục đơn vị được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, theo danh sách các đơn vị bắt buộc phải công bố giá trên website của Bộ Y tế nhưng một số đơn vị lợi dụng kẽ hở về việc không quy định là giá bao nhiêu nên đưa lên với giá rất cao, gần bằng giá bán tại các nhà thuốc. Đây là cũng điều chưa hợp lý khiến cho cơ quan chức năng xử lý gặp không ít khó khăn”, ông Chu Xuân Kiên chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Thanh tra việc mua kit xét nghiệm tại Hà Nội
00:06, 20/01/2022
Công bố Quyết định thanh tra việc mua kit xét nghiệm tại Bộ Y tế
02:55, 20/01/2022
Vụ “thổi giá” kít xét nghiệm” COVID-19: Xác định 7 doanh nghiệp liên quan Công ty Việt Á
07:30, 21/01/2022
Vụ “thổi giá” kít xét nghiệm COVID-19: Bình Thuận có liên quan gì đến Công ty Việt Á?
14:30, 18/02/2022