Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước
Chính sách của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm theo Điều 5 dự thảo Luật là rất quan trọng, cho nên cần phải có cụ thể từng chính sách này.
>>Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 27/5.
Cụ thể, theo đại biểu Phạm Văn Hoà, tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 chỉ nêu chỉ khuyến khích, trong khi đó dự thảo Luật chỉ có khoản 4 có quy định hỗ trợ kinh phí hàng năm cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp, bảo hiểm vi mô.
Còn các loại hình bảo hiểm khác thì quy định là khuyến khích, đơn giản hóa thủ tục hành chính chứ chưa nói đến hỗ trợ kinh phí để thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị nên quy định rõ ràng, rành mạch trong khoản 1, khoản 2, khoản 3 là “không phải chỉ khuyến khích mà phải cần có sự hỗ trợ về mặt kinh phí”.
Về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm tại Điều 12, ngân sách đầu tư, cơ sở dữ liệu để quản lý doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, Luật cũng quy định thêm doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng nhà nước thực hiện.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, các dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp lúc nào cũng phải có cơ sở để dự trữ phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho nên phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính, không thể Nhà nước đầu 100%, tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.
Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm theo Điều 6 quy định, dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là cần thiết, nhưng cũng phải thận trọng, có quy định rõ ràng, rành mạch, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp.
Vì trên thực tế đã có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có bảo hiểm, nhà nước không quản lý được. Mặt khác cũng để bảo hiểm bảo vệ cho người mua, bảo hiểm không bị lừa dối thông qua mô hình này, rất là khó kiểm soát. Việc đầu tư ra nước ngoài theo Điều 113 cũng vậy, cần thận trọng để không bị lợi dụng thất thoát ngoại tệ.
Do đó, phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình, các loại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù có ràng buộc theo quy định của pháp luật nhưng việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ rất khó kiểm soát.
>>Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế
Còn theo đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ, không bảo đảm bình đẳng giữa cá nhân với pháp nhân và không thống nhất với hệ thống pháp luật về tư pháp.
Theo đó, khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật quy định theo hướng pháp nhân thương mại cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm; cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật hình sự thì không được giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phân tích, khoản 3 Điều 123 hiện nay quy định ba trường hợp cá nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai là đang phải chấp hành hình phạt tù. Ba là bị cấm hành nghề.
Trong khi pháp nhân thương mại chỉ quy định một trường hợp không được giao kết thực hiện hợp đồng đó là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này không những không bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân mà còn để sót.
Đồng thời, quy định này đã để lọt 3 trường hợp theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự, pháp nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Hai là đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ba là đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động.
Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung ba trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm (đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động).
Bên cạnh đó, cần tách khoản 3 Điều 123 thành hai điểm: Điểm a quy định về pháp nhân thương mại; Điểm b quy định về cá nhân, đồng thời bổ sung những hình phạt tương ứng với từng chủ thể.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
04:00, 23/05/2022
Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế
03:30, 17/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Còn nhiều quy định không chặt chẽ
03:50, 08/04/2022
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Có cần duy trì 2 quỹ?
12:02, 22/03/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi còn nhiều chồng chéo
03:30, 08/02/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Còn những quy định trúc trắc, khó hiểu
04:30, 27/10/2021