Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
Trước hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Bộ Ngoại giao đã có Văn bản số 2223/BC-BNG-THKT báo cáo Thủ tướng Chính phủ…
>> Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế
Theo đó, văn bản của Bộ Ngoại giao nêu rõ, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đánh giá, lừa đảo qua xâm phạm email doanh nghiệp là hình thức gây thiệt hại nặng nhất tại Mỹ khiến các doanh nghiệp thiệt hại 2,4 tỷ USD trong năm 2021 (tăng 33% so với năm 2020), tại Brazil từ năm 2019 đến nay có khoảng 16,7 triệu người bị lừa đảo tài chính qua mạng.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã điều tra và bắt giữ hơn 120 đối tượng từ 90 nước liên quan đến các vụ buôn khẩu trang giả và các hãng sản xuất vaccine (Pfizer, AstraZeneca, Moderna) cũng ghi nhận hàng trăm vụ lừa đảo vaccine liên quan đến gần 100 nước trên thế giới.
>> Cần cảnh giác với những chiêu lừa đảo trên mạng
Việt Nam là nền kinh tế năng động có độ mở cao hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nên hoạt động giao thương đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ trở thành mục tiêu lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp, gần đây mặc dù các cơ quan trong nước các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có nhiều hướng gia tăng, điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.
Ví dụ sau vụ 100 container hạt điều, doanh nghiệp ta đã có tâm lý e ngại làm ăn với các đối tác Italia hoặc khi đàm phán các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn có uy tín và mức độ rủi ro thấp như: Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy,… thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi như trước.
Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin cho các cơ quan chức năng các cơ quan đại diện, Thương vụ ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc xảy ra gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết. Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gian lận chưa thực hiện đúng hợp đồng, chuyển hàng chưa đúng yêu cầu tiêu chuẩn, hàng hóa của nước sở tại và bị đối tác khởi kiện, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu quốc gia, uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Tại văn bản của mình, Bộ ngoại giao cũng cho biết, một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến như: Lừa đảo trong xuất khẩu hàng hóa không thanh toán không chuyển hàng như hợp đồng đã ký; Thành lập Công ty “ma” giả mạo doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực Công ty để giao dịch; Giả mạo giấy tờ đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán; Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu.
Theo Bộ Ngoại giao, các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có một số đặc điểm chung như: Quá trình đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng, đối tác đồng ý ngay giá bán nhưng không ép doanh nghiệp ký các hợp đồng mẫu không thể sửa đổi; Chỉ muốn liên lạc qua Internet, dùng các email miễn phí để giao dịch thay vì email chính thức của Công ty; Chỉ dùng các ứng dụng tin nhắn để trao đổi, tránh gặp trực tiếp hoặc họp trực tuyến; Cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ 3, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải Công ty đứng tên, hợp đồng giấy phép kinh doanh sắp hết hạn… Đề nghị chấp thuận thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, bắt đặt cọc để làm các thủ tục giấy tờ ở nước ngoài, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ để xin giấy phép nhập khẩu.
Từ đó, để tránh rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo, trong giao dịch thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm một số vấn đề như: Tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín; Kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác; Nghiên cứu ký hợp đồng trước khi triển khai giao dịch; Tăng cường thông tin với các cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Không chỉ có vậy, nhằm hạn chế các vụ việc lừa đảo, nghi ngờ lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao kiến nghị một số giải pháp phối hợp giữa các Bộ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để: Tăng cường cảnh báo thông tin cho các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện; Phối hợp với các cơ quan liên quan các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường phổ biến kiến thức thương mại tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp; Nghiên cứu xây dựng trang thông tin để cảnh báo cập nhật về các vụ việc thủ đoạn hành vi lừa đảo…
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế
03:00, 05/06/2022
Nhận biết để cảnh giác trước muôn kiểu lừa đảo tài chính qua mạng
04:50, 02/06/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Giải pháp hạn chế tối đa lừa đảo
03:32, 24/03/2022
Vụ 100 container điều xuất sang Ý: Mấu chốt phải giải quyết nghi án lừa đảo
00:06, 24/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn
05:00, 19/03/2022
Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn cấp về nghi án lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều
15:06, 15/03/2022