Bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của Ban thanh tra nhân dân

NGUYỄN VIỆT 14/06/2022 11:00

Quy định tại khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng được giám sát.

>>Dân chủ ở cơ sở: Phải có luật để thực hiện, tránh hình thức, phô trương

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Phú Thọ) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 14/6.

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Phú Thọ).

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Phú Thọ).

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Cầm Hà Chung nhấn mạnh, dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Quan tâm về nội dung quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu Cầm Hà Chung cho biết, khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật quy định: “Khi cần thiết, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”.

Theo đại biểu Cầm Hà Chung, quy định này vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng được giám sát, chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu cho biết, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy, nhiều nơi còn hình thức, nhất là đối với các nội dung, hình thức mà chính quyền, cơ quan chức năng phải công khai để người dân, người lao động được bàn luận, tham gia ý kiến.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Một trong các nguyên nhân là do trách nhiệm của tập thể, cá nhân quy định trong văn bản pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Để khắc phục bất cập trên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong các khâu thực hiện dân chủ cơ sở của chính quyền cấp trên cơ sở cho việc đảm bảo các quy định, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của UBND các cấp trong việc đảm bảo các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ và đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở, nhấn mạnh khâu chủ động đề xuất các vấn đề nhân dân, người lao động quyết định, tham gia ý kiến.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 69, Điều 70, Điều 71 theo hướng quy định rõ, cụ thể hơn, đồng thời loại bỏ những nội dung chung chung mang tính khẩu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong việc đảm bảo quyền dân chủ nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Các tình huống pháp luật: Quy chế dân chủ tại cơ sở được ban hành như thế nào?

    03:00, 30/05/2022

  • Bác Hồ và thiết chế dân chủ

    04:00, 19/05/2022

  • Làm rõ thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan có tính chất đặc thù

    10:48, 30/03/2022

  • Dân chủ ở cơ sở: Phải có luật để thực hiện, tránh hình thức, phô trương

    13:13, 23/03/2022

NGUYỄN VIỆT