PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Áp dụng phương thức đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn được cho là một hướng đi triển vọng, thế nhưng, để hiện thực hóa được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…
>> Doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải nhìn từ kinh nghiệm của Hà Lan
Theo đó, vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn tại đô thị và các khu công nghiệp là một vấn đề cấp bách, gây nhiều khó khăn và bức xúc cho xã hội trong thời gian dài, cần được quan tâm để tìm giải pháp bền vững. Với công nghệ hiện đại ngày nay, rác thải được coi là nguồn tài nguyên quý giá và vòng đời của nước thải có thể được rút ngắn để chuyển thành nước sạch, phục vụ hiệu quả cho đời sống con người.
Thế nhưng, để triển khai được các công nghệ hiện đại này vào thực tế, không chỉ cần chính sách phù hợp của Nhà nước mà còn cần nguồn lực tài chính đầu tư lớn. Áp dụng phương thức PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn được cho là một hướng đi triển vọng, nhờ nguồn lực dồi dào và sự năng động của khối tư nhân cùng tham gia cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đô thị. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được phương thức này vào cuộc sống, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Xoay quanh thực trạng đã nêu, ngày 05/7/2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban quan hệ đối tác công tư thuộc Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAid) cùng tổ chức Tọa đàm “Môt hình hợp tác công - tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” của USAID phối hợp với VCCI và VIAC.
Thông tin tại Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ, hiện nay, song song với việc thu hút, khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa là những áp lực ngày một nặng nề hơn đối với nhiệm thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị. Ở các nước phát triển, bản thân rác thải, nước thải đã được chuyển thành nguồn tài nguyên tái tạo lớn và những nước này đang hướng tới sang nền kinh tế tuần hoàn, đem lại sự phát triển bền vững.
>> Hải Phòng: Sắp có nhà máy xử lý nước thải vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành đã ký và ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu cụ thể: đến năm 2030 được Chiến lược đặt ra gồm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Tại Nghị quyết đại hội XIII cũng có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Theo đó, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10 - 20 tỷ USD.
“Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Thực tế, Nhà nước đã có những chính sách về hợp tác theo phương thức PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị, và đây được đánh giá là một hướng đi đầy triển vọng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được phương thức này vẫn còn đó những khó khăn, thách thức.
Chia sẻ về chính sách của Nhà nước đối với hợp tác công - tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đưa ra những khó khăn, thách thức trong việc áp dụng phương thức này vào thực tiễn.
Cụ thể như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế; Giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục; Cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư; Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhập khẩu một số loại còn chưa phù hợp với thực tế chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn; Hiện nay, các địa phương đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau.
Đồng quan điểm đã nêu, trong phần tham luận của mình, ông Đoàn Tiến Giang – Chuyên gia về Hợp tác công - tư (PPP), Dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc áp dụng PPP vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn như: ít khả thi tài chính; nguồn cung không chắc chắn; lượng điện tái chế không chắc chắn; hợp đồng PPP còn phức tạp; khó xác định kết quả đầu ra.
Trước thực trạng đã nêu, để tìm hướng đi cho phương thức PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn tại Việt Nam, xung quanh phiên thảo luận, các đại biểu, chuyên gia cũng đã có những tham luận chia sẻ, cung cấp thêm nhiều thông tin thực tế, những góc nhìn khác nhau liên quan đến nội dung tìm kiếm các mô hình hợp tác công - tư hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Ninh sắp có thêm hai nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp công suất lớn
09:16, 29/04/2022
Trắc trở dự án xử lý nước thải Tràng Minh
21:08, 15/10/2021
Nhức nhối xử lý nước thải cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh
01:22, 05/09/2021
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá: Phải về đích đúng hẹn với chất lượng cao nhất
16:53, 06/02/2021
Hải Phòng: Sắp có nhà máy xử lý nước thải vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng
03:04, 29/12/2020