Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tiến độ lập Quy hoạch điện VIII còn quá chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
>>Quy hoạch điện VIII: Thủ tướng yêu cầu xây dựng giá điện cạnh tranh
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh ngay sau khi Quốc hội tiến hành giám sát và ban hành Nghị quyết giám sát tại kỳ họp thứ 3, nhưng kết quả lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn rất khiêm tốn. Đặc biệt là tiến độ lập Quy hoạch điện VIII còn quá chậm so với yêu cầu ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế.
Nội dung báo cáo nêu rõ, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Việc sớm ban hành Quy hoạch điện VIII sẽ có căn cứ triển khai các dự án điện, góp phần thúc đẩy tỷ trọng sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ lập Quy hoạch điện VIII còn quá chậm so với yêu cầu dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Về quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng yêu cầu báo cáo rõ hơn về tình hình triển khai cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26 gắn với việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phát triển, đặc biệt là Quy hoạch điện VIII; Theo đó báo cáo nêu rõ việc bảo đảm tiến độ quy hoạch, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải các-bon tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 13/10, Bộ Công Thương đã có báo cáo, tờ trình lần thứ 5, trình Chính phủ về đề án Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Tại tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục cho phép thực hiện các dự án điện mặt trời đã có trong quy hoạch với tổng công suất 2.360,42MW. Số này giảm 68MW so với lần đề xuất hồi tháng 8/2022 vì một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp.
Theo Bộ Công Thương, các dự án điện mặt trời (trừ dự án không thực hiện tiếp) đều đã triển khai thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã phát sinh chi phí, ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng. Việc cho phép các dự án, hoặc phần dự án trên tiếp tục làm nhằm tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện, đền bù cho các nhà đầu tư, lãng phí tài sản xã hội và tránh mất trật tự xã hội, xuất hiện điểm nóng tại khu vực đã giao đất. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã phân bổ phát triển các nguồn điện mặt trời theo 6 tiểu vùng, theo tiến độ hài hòa với các nguồn truyền thống và khả năng phát triển lưới truyền tải. Điều này sẽ tránh được các bất cập vừa qua.
>>Khuyến nghị cho quy hoạch điện 8
Với trên 2.300 MW các dự án điện mặt trời trang trại đang triển khai ở các bước tiến độ khác nhau, do đã có hiệu lực pháp lý về bổ sung Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Bộ Công Thương cũng đã đề xuất giữ trong danh sách phát triển, nhưng không đưa vào cân đối.
Trong nội dung tờ trình này, Bộ Công Thương cũng đưa ra điều kiện đối với các chủ đầu tư phải chấp hành quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng... Đồng thời, các dự án đầu tư trong khu vực nên nắm được thông tin về hạ tầng lưới điện địa phương, cũng như khả năng truyền tải của hệ thống điện quốc gia.
Theo đó, về báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 6328 ngày 13/10/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương làm việc, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về số liệu nguồn điện mặt trời đưa vào quy hoạch; khẳng định các điều kiện pháp lý, tuyệt đối không để xảy ra các khiếu kiện của nhà đầu tư đối với các dự án nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch.
Sau nhiều lần trả lại nghiên cứu, lấy ý kiến, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2022.
Trước đó, lấy ý kiến góp ý xây dựng cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII gần đây, các chuyên gia cũng tham mưu, đề xuất Chính phủ cần cân đối tỷ trọng bổ sung với từng dạng năng lượng.
Đối với điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), các chuyên gia cho rằng: Cần khuyến khích loại hình này nhiều hơn. Mặc dù thời gian vừa qua việc quản lý phát triển mô hình này có những bất cập, nhưng đây là loại hình quy mô nhỏ, có thể nhanh chóng huy động nguồn vốn tư nhân trong nước, không cần vay nước ngoài.
Mặt khác, ĐMTMN là các nguồn điện phân tán, tận dụng được từ thiên nhiên, mô hình này sẽ giảm áp lực lên đầu tư các trạm biến áp cung cấp cho phụ tải đô thị. Do đó các chuyên gia cho rằng Dự thảo QHĐ VIII đề xuất phát triển thêm loại ĐMTMN tổng công suất 3.000 MW vào năm 2030 là còn khá thận trọng và chưa tương xứng với tiềm năng.
Trước tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng đối với sự phát triển của nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình, làm rõ nguyên nhân việc chậm tiến độ ban hành Quy hoạch điện VIII.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Điện VIII: Dự kiến bỏ 14.120MW nhiệt điện than
10:39, 03/08/2022
Quy hoạch Điện VIII thông qua nhưng còn nhiều bất cập
16:00, 16/05/2022
Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản
03:00, 14/10/2022
Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao
22:06, 19/09/2022
Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi
03:50, 10/08/2022
Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp
03:50, 11/08/2022