Hà Nội: Cần rà soát doanh nghiệp hoạt động xả thải CCN Bắc Từ Liêm
Việc vừa qua, UBND TP.Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Ban QLDA ĐTXD quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho thấy, cơ quan chức năng cần giám sát hoạt động xả thải doanh nghiệp trong CCN Từ Liêm (Hà Nội)...
>>Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án trục phía Nam
Cụm công nghiệp (CCN) Từ Liêm (Hà Nội) được triển khai xây dựng từ năm 2000 với hai giai đoạn, có tổng diện tích 63 ha, 86 doanh nghiệp được UBND Thành phố Hà Nội có quyết định giao đất để đầu tư sản xuất kinh doanh với các lĩnh vực sản xuất như: Cơ khí, in ấn bao bì, thực phẩm, thương mại...
Hơn 2 năm gây hại đến môi trường
Nhằm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN Từ Liêm (Hà Nội), đầu năm 2010, dự án Trạm xử lý nước thải tập trung CCN Từ Liêm (Hà Nội) được phê duyệt và xây dựng với số vốn trên 22 tỉ đồng từ nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp trong CCN Từ Liêm (Hà Nội). Theo thiết kế, Trạm xử lý nước thải tập trung được xây dựng trên diện tích khoảng 5.000 m2, có tổng công suất thiết kế 3.500 m³/ngày.
Dự án trạm xử lý nước thải tập trung CCN Từ Liêm (Hà Nội) do Ban Quản lý Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) CCN Từ Liêm (Hà Nội) làm chủ đầu tư và Công ty Kỹ thuật SEEN là đơn vị thi công. Đến tháng 5/2012, dự án này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm đi vào hoạt động đến giữa tháng 11/2020, trạm xử lý nước thải này gặp sự cố, hoạt động cầm chừng.
Chính vì sau hơn 2 năm hệ thống xử lý nước thải của CCN Từ Liêm (Hà Nội) vẫn chưa thể khắc phục vận hành xử lý nước thải bình thường dẫn đến, ngày 13/12/2022 UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4996/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính BQL ĐTXD quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) 377 triệu đồng.
Cụ thể, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì, CCN Từ Liêm (Hà Nội) xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần đến dưới 05 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400m3/ngày (24 giờ).
Xả nước thải có chứa thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 đến dưới 05 lần. Trong đó, thông số Coliform vượt 4,0 lần; Thông số Amoni (tính theo N) vượt 3,27 lần theo Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội (QCTĐHN 02:2014/BTNMT), với lưu lượng nước thải là 249,6 m3/ngày (24 giờ).
>>>Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách quốc tế
Mục tiêu doanh nghiệp xanh
Để khắc phục hậu quả, Thành phố Hà Nội đã buộc BQL ĐTXD quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (qua Công an Thành phố, Phòng Cảnh sát môi trường) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại điểm a khoản 9 Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Minh An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng CCN Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, đến nay trạm xử lý nước thải đang chạy thử, sau khi kiểm tra các thông số về môi trường đều đạt sẽ báo cáo Sở TN&MT và Thành phố để vận hành chính thức.
Tuy nhiên, qua thực tế, ông Phương Sơn Hà - nguyên Phó Trưởng phòng Dịch vụ công ích và phát triển CCN Từ Liêm (BQLDA ĐTXD quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Ngoài 86 doanh nghiệp được UBND Thành phố Hà Nội có quyết định giao đất để đầu tư sản xuất kinh doanh thì có vài chục doanh nghiệp thuê lại đất để hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN Từ Liêm (Hà Nội).
Trước đó, tại biên bản làm việc ngày 26/11/2020 của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) – CATP Hà Nội với BQLDA ĐTXD quận Bắc Từ Liêm cũng chỉ rõ: “chưa thực hiện lắp đặt quan trắc tự động theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được cấp phép; số lượng doanh nghiệp thứ phát trong CCN hiện Ban quản lý không xác định được chính xác…”.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường trong CCN Từ Liêm, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có thông tin qua bài viết ngày 23/01/2021: “Vụ nước thải từ CCN Từ Liêm tràn ra ngoài: Công an Hà Nội vào cuộc” có nêu: “Qua quá trình ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong CCN Từ Liêm xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường. Nguyên nhân của việc này được xác định là do hệ thống xử lý nước thải của CCN Từ Liêm (Hà Nội) đã xuống cấp, không thể vận hành xử lý nước thải bình thường”.
Điều đáng nói, trong số những doanh nghiệp thứ phát có Công ty CP Dịch vụ Môi trường Mesco (Công ty Mesco) trong CCN Từ Liêm (Hà Nội) hoạt động lĩnh vực dịch vụ giặt tẩy đồ vải y tế của nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội sau khi báo Pháp luật Việt Nam phản ánh ngày 19/04/2021: “Quy trình giặt đồ vải y tế đang có dấu hiệu mất an toàn. Cụ thể, đồ vải bẩn từ bệnh viện đưa về xưởng giặt được để lộn xộn trên xe đẩy mà không để trong túi buộc kín. Công nhân vận chuyển đồ vải bẩn cũng không đeo găng tay, đeo khẩu trang… Nếu đồ bẩn này không được phân loại đúng và không được đựng trong cái túi buộc kín, hoặc công nhân không sử dụng găng tay… thì nguy cơ lây truyền bệnh ra môi trường là rất cao”, cơ quan quản lý đã thanh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải sơ bộ ra hệ thống thu gom để đưa về khu xử lý tập trung?
Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu số lượng doanh nghiệp hoạt động xả thái sẽ nhiều hơn quy hoạch được phê duyệt (thay vì 86 doanh nghiệp thì có tới hơn 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải trong CCN Từ Liêm (Hà Nội) có phá vỡ quy hoạch sử dụng đất; quá tải hệ thống cung cấp điện, nước hoặc vượt quá khả năng xử lý nước thải (do quá công suất hoặc do nước thải có chứa mầm bệnh, vi khuẩn bệnh viện…)?
Về vấn đề trên, theo Luật sư Phan Anh Tuấn, Công ty Luật Việt Phú Thịnh, Đoàn luật sư Hà Nội thì: Điều 25, Điều 26 Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nêu “tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN phải sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư; Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự…; thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
Còn tại Điều 18, Quyết định 44/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội “Quy định quản lý CCN trên địa bàn TP Hà Nội” có nêu rõ quyền của Ban quản lý CCN là “Giám sát, giúp đỡ các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, các quy định của UBND TP và Điều lệ quản lý CCN ”. Như vậy số doanh nghiệp thứ phát trong CCN Từ Liêm (Hà Nội) đã được BQL thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ “giám sát” của mình theo các nội dung trên?
Trong bối cảnh thế giới chuyển hướng sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh và khôi phục kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thương hiệu gắn với yếu tố xanh - sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm sạch cho môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp cần không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường địa phương hoặc trái đất, đối với cộng đồng hay nền kinh tế. Đồng thời phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; Tuân thủ các qui chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; Tuân thủ về hồ sơ quản lí môi trường cùng các vấn đề liên quan khác.
Theo Luật sư Tuấn, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh lặp lại tình trạng trạm xử lý nước thải gặp sự cố, hoạt động cầm chừng. các cơ quan chức năng cần vào cuộc rà soát hoạt dộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong CCN Từ Liêm (Hà Nội) nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như Công ty Mesco báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật?
Theo các chuyên gia y tế, Coliform có thể gây ra các rối loạn tạo nên chứng tiêu chảy gây mất nước, rối loạn máu, suy thận hay thậm chí là tử vong. Sự nguy hại của loại vi khuẩn này càng nghiêm trọng hơn ở người già và trẻ em do đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu. Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, chủ yếu là tiêu chảy và sốt nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Việc này làm lỡ cơ hội điều trị bệnh kịp thời từ giai đoạn sớm. Amoni không quá độc với con người và động vật. Tuy nhiên, nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Ngoài ra, nước nhiễm amoni còn nghiêm trọng hơn nhiễm asen rất nhiều vì amoni dễ dàng chuyển hóa thành các chất độc hại, lại khó xử lý. |
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
13:38, 08/01/2023
Du lịch Hà Nội: Tạo đột phá bằng nhiều sản phẩm mới độc đáo
04:00, 07/01/2023
Du lịch Hà Nội: Mục tiêu thành trung tâm du lịch Bắc Bộ
03:00, 05/01/2023
Thám tử tư Gia Huy tuyển dụng thám tử chi nhánh Hà Nội, Sài Gòn
18:00, 04/01/2023
Đông Hà Nội “chuyển mình”
10:12, 03/01/2023