Nam Định: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Quý Mão
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần cũng là lúc nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng được nhiều người quan tâm.
>>>Nam Định: Hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Từ tuyên truyền phổ biến...
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định: Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trước những yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Theo đó, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…Bên cạnh nguồn hàng sản xuất tại chỗ, phần lớn hàng hóa trên thị trường tỉnh được nhập từ các địa phương khác về tiêu thụ.
Do vậy, điều đáng lo ngại là các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả gia tăng, trong đó có thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường. Để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được các ngành, các địa phương kiểm soát chặt chẽ giúp người dân đón Tết và tham gia lễ hội an toàn.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng về ATVSTP. Để có được kết quả đó, các ngành đã tổ chức 27 lớp tập huấn đào tạo ATTP cho 2.767 đại biểu tham dự, phát 65 nghìn tờ rơi, treo 1.246 băng rôn, in sao 240 băng đĩa tuyên truyền, xây dựng 16 mô hình kiểm soát ATTP tại 12 bếp ăn tập thể doanh nghiệp và 4 khách sạn, nhà hàng, giám sát đảm bảo ATVSTP nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng.
Tuy nhiên, qua công tác thanh kiểm tra, giám sát thị trường, toàn tỉnh vẫn có 274/5.100 cơ sở được kiểm tra ngẫu nhiên có vi phạm các điều kiện về ATTP. Lực lượng chức năng đã phạt hành chính với số tiền 830 triệu đồng, tiêu hủy 21 loại sản phẩm không đảm bảo ATTP; xét nghiệm 2.482 mẫu thực phẩm, phát hiện 162 mẫu không đạt điều kiện lưu thông.
Như vậy nguy cơ mất ATVSTP vẫn luôn rình rập và đe dọa bùng phát bởi càng gần Tết, nhu cầu mua sắm càng trở nên nhộn nhịp, sôi động, cùng với đó là các hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt năm nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát, UBND tỉnh cho phép mở cửa trở lại các lễ hội xuân truyền thống nên nhiệm vụ đảm bảo ATVSTP càng trở nên quyết liệt hơn.
>>>Nam Định: Chợ công nghệ 4.0 rộng mở cánh cửa giao thương
Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ quan liên ngành tích cực phối hợp với các huyện, thành phố duy trì thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa Xuân như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
...đến kiểm soát chặt chẽ
Ban Chỉ đạo bảo đảm ATVSTP tỉnh Nam Định cho biết: Căn cứ Kế hoạch số 88/KH-BCĐ ngày 15-12-2022 của UBND tỉnh về triển khai công tác đảm bảo ATVSTP phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023, Ban Chỉ đạo bảo đảm ATVSTP tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, bắt đầu từ ngày 15-12-2022 đến hết ngày 12-3-2023. Mục tiêu chung là đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023.
Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết như tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Trên cơ sở đó các sở, ngành chức năng, các địa phương đều có phương án đảm bảo ATVSTP phù hợp với tình hình thực tế đơn vị mình. Trong đó các ngành chức năng phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm ATVSTP đối với cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023 cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được cho phép theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra về ATVSTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Nam Định: Là lực lượng chủ công trong công tác kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xác định việc kiểm tra, giám sát ATVSTP là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Lực lượng tập trung 100% quân số, làm việc 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ để kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, trung chuyển qua các chợ đầu mối, các đại lý lớn tập và các cơ sở sản xuất lớn trước khi cung ứng cho các tiểu thương ở địa phương trong và ngoài tỉnh. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng lực lượng chức năng có liên quan đã phát hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATVSTP chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm hàng công nghệ phẩm giả nhãn mác; kẹo, ô mai, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm, phụ phẩm động vật đông lạnh không đảm bảo chất lượng…
Nhờ quyết liệt thực hiện các biện pháp nên đến thời điểm này tình hình thị trường, giá cả đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy vậy, để giảm thiểu tác động của sản phẩm mất an toàn, các ngành chức năng khuyến cáo người dân trở thành người tiêu dùng thông thái khi mua sắm thực phẩm và thực hiện mười “nguyên tắc vàng” trong chế biến thực phẩm: Chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ, hợp vệ sinh; bảo vệ thực phẩm khỏi những loại côn trùng, gặm nhấm và động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.
Có thể bạn quan tâm