Thu hồi giấy phép 6 thương nhân phân phối xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành các quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân.
>>Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần
Cụ thể, các thương nhân bị thu hồi giấy xác nhận gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đại Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà, Công ty cổ phần xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty cổ phần dầu khí Rồng Vàng, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.
Quyết định thu hồi của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 27/2/2023. Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi bản chính giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ trước ngày 15/3/2023.
Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc, hoặc thông qua các thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.
Như vậy, sau khi thương nhân phân phối bị thu hồi giấy phép, các đại lý trực thuộc hoặc các thương nhân nhượng quyền bán lẻ phải tìm nhà cung cấp khác. Bởi hiện nay các đối tượng trên chỉ được lấy hàng từ một nguồn duy nhất. Hiện Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương mới đây đề xuất đồng ý để các đại lý xăng dầu được mua từ nhiều nguồn, thay vì bảo lưu quan điểm chỉ được mua từ 1 nguồn như quy định hiện nay (có thể giới hạn từ 2-3 nguồn).
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc lựa chọn phương án này nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Còn thương nhân phân phối chỉ được mua từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác.
Trước đó, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và một số công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối.
>>Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng
>>Giá xăng dầu năm 2023 sẽ có nhiều biến động
Ngoài hình thức phạt tiền, Bộ còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Hùng Hậu) trong thời gian 1 tháng.
Tuy nhiên, ngày 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm.
Bình luận về quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với 6 doanh nghiệp nói trên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, quy mô của các nhà phân phối bị thu hồi giấy phép kỳ này nhỏ, thời gian để việc rút giấy phép có hiệu lực đến gần 1 tháng (đến 27/2), đủ để các cửa hàng bán lẻ ký hợp đồng với nhà phân phối khác.
Bên cạnh đó, việc thu hồi giấy phép cho những nhà phân phối vi phạm qua thanh kiểm tra là một trong những giải pháp lập lại trật tự thị trường xăng dầu. Nếu khâu trung gian phân phối lại góp phần gây nhiễu loạn thị trường hoặc khiến thị trường đứt gãy nguồn cung… thì sẽ bị xử phạt. "Việc làm này sẽ được thực hiện thường xuyên trong thời gian tới nhằm thiết lập một thị trường xăng dầu ổn định bền vững hơn", ông Bảo bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng
05:00, 02/02/2023
Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần
17:36, 01/02/2023
Ứng phó trước nguy cơ giá xăng dầu leo thang
16:30, 30/01/2023