Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển điện gió ngoài khơi
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, tuy nhiên ngoài điều kiện về vốn và kỹ thuật thì cần hoàn thiện về hành lang pháp lý và sửa đổi các luật liên quan.
>>Phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu và giải pháp
Giàu tiềm năng
Việt Nam nên làm gì để khởi động thành công ngành điện gió ngoài khơi? Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn vốn đầu tư cần thiết và tạo dựng sự tin cậy đối với sự phát triển của ngành? Đây là những nội dung chính được đặt ra và thảo luận tại cuộc hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” được Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội phối hợp tổ chức. Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nhà đầu tư hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi và nhà đầu tư chính trong Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là đơn vị tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật hội thảo.
Với mục đích tạo ra một diễn đàn đối thoại, trao đổi giữa các cơ quan Bộ ban ngành Việt Nam với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cơ chế chính sách liên quan cho Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế. Trong đó Nghị quyết xác định ngành năng lượng là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên phát triển nhất là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tuy nhiên do phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam, vì vậy việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đã có kinh nghiệm điện gió ngoài khơi như Đan Mạch rất có giá trị với Việt Nam.
Cần hoàn thiện chính sách
Đề xuất ý kiến về chính sách, TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất, để thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. “Cụ thể về công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ đã, đang, sẽ đánh giá, rà soát và xem xét việc sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng như: Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết liệm và hiệu quả, các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)”-TS. Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Tại hội thảo các chuyên gia cho biết; Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi. Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đan Mạch, ông Nicolai Prytz cho biết: “Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (PDP 8) và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền”.
>>Phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Bổ sung ý kiến tại hội thảo, ông Henrik Scheinemann, đồng Giám đốc Điều hành của tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) đề xuất : “Điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có thành tích tốt để chọn cho mình một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước. Có thể thấy rõ, Việt Nam có khả năng và sẽ thành lập ngành công nghiệp này. Giờ là lúc thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư và phát triển dự án chia sẻ bài học nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam. Tập đoàn CIP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình lâu dài này.
Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đã huy động được hơn 19 tỷ đô la Mỹ thông qua một số quỹ tập trung vào năng lượng tái tạo, bao gồm quỹ CI IV gần đây nhất đã được lập ra với mục tiêu trở thành quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ Thị Trường Mới I (CI New Markets Fund I), CIP đang quản lý một quỹ đặc biệt nhắm vào các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh và hiện đang tập trung đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Vào ngày 22 tháng 07 năm 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt quỹ CI New Markets Fund I, cùng với AsiaPetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận để phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW ngoài khơi bờ biển tỉnh Bình Thuận. Tháng 12 năm 2020, CIP, AsiaPetro và Novasia Energy đã thành lập một công ty chung, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án điện gió La Gàn, để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
Với công suất tiềm năng 3.5 GW, Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này có tiềm năng nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực và trên thế giới.
CIP đã tiếp tục ký nhiều Biên bản Ghi nhớ với các nhà cung cấp và cảng biển tại Việt Nam, đồng thời thiết lập Thỏa thuận hợp tác với công ty Xuân Cầu (Việt Nam) để thúc đẩy một số cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi ở miền Bắc Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Sức hút từ điện gió ngoài khơi
04:30, 17/02/2023
Tập đoàn CIP với tham vọng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
02:00, 14/01/2023
Phát triển điện gió ngoài khơi, mục tiêu và giải pháp
11:30, 10/12/2022
Điện gió ngoài khơi cần cơ chế mới
00:58, 10/12/2022
Lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi: Cần đấu thầu minh bạch
23:21, 07/12/2022