Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Các quy định còn thiên về vấn đề hành chính
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định chi tiết nhiều vấn đề, nhưng còn mang tính hành chính, yếu tố thị trường trong quan hệ xử lý giá thiên về các quy tắc quản lý nhà nước.
>>Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), ngày 6/4.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chỉ nên đưa ra các quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá. Dự thảo Luật cần quy định vấn đề quản lý Nhà nước liên quan đến các vật tư hàng hoá, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, bình ổn.
Cần tạo ra các hành lang pháp lý để cho các tổ chức, các đơn vị hoạt động liên quan về giá thực hiện được trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời cần có những quy định để xử lý các tranh chấp liên quan đến giá.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị các nội dung quy định của Luật nên tập trung vào các nhóm vấn đề như trên thì sẽ phù hợp hơn. “Các quy định như dự thảo Luật hiện nay thiên về vấn đề hành chính, các hoạt động của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nhiều hơn và chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành bày tỏ.
Về nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đánh giá, khái niệm “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” tại Điều 4 quy định quá rộng, đề nghị cần làm rõ nội hàm khái niệm này, và quy định thêm trong các trường hợp đặc biệt như dịch bệnh, cách ly… từ đó định hình hàng hoá nào Nhà nước kiểm soát định giá, hàng hoá nào thị trường tự xử lý.
Cho rằng dự thảo còn thiếu khái niệm “giá bán”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung các khái niệm “giá bán”, “giá thị trường”, “yếu tố hình thành giá”… Về thẩm định giá, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị rà soát lại các Điều 35,36,37,38 nhằm giảm bớt vai trò quản lý Nhà nước.
>>Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) bày tỏ băn khoăn về định nghĩa giá trong dự thảo Luật. Theo đó, định nghĩa giá thị trường chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. “Do đó, cần phải quy định lại định nghĩa cũng như sửa đổi lại khái niệm cơ sở hình thành giá. Quy định trong dự thảo luật không phải mang tính thị trường”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung và cầu. Tuy nhiên, tinh thần trên vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sửa đổi lại trên tinh thần “giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung-cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua”.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra rằng, định nghĩa về yếu tố hình thành giá trong dự thảo luật đang ngược với logic hình thành giá. Đặc biệt, khái niệm cơ sở hình thành giá không đúng với quy luật thị trường nên cần sửa đổi lại. Trên cơ sở đó, đề nghị quy định cơ sở hình thành giá là quan hệ cung-cầu và thu nhập, khả năng chi trả của người tiêu dùng thể hiện ở số người cung cấp hàng hoá, dịch vụ ở quy mô thị trường.
Theo đó, thị trường rất nhiều người bán khác với một số người bán và một người bán. Đó là thị trường cạnh tranh, thị trường cạnh tranh hạn chế và thị trường độc quyền. Giá của ba loại thị trường này hình thành khác nhau, quy mô của người mua và khả năng người mua khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)
20:16, 05/04/2023
Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
20:11, 04/04/2023
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
15:00, 27/03/2023
Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
12:52, 15/03/2023