Đại biểu Quốc hội đồng thuận việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

NGUYỄN VIỆT 06/04/2023 16:48

Quỹ phòng thủ dân sự độc lập với ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương và nhân dân bị thiệt hại, và sẽ giao cho Bộ Tài chính quản lý và hướng dẫn sử dụng quỹ.

>>Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương báo cáo làm rõ một số vấn đề về Quỹ phòng thủ dân sự tại phiên thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự, ngày 6/4.

đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: QH

Góp ý về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) bày tỏ thống nhất với phương án 1 và thống nhất cao với những lý do được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, việc quy định quỹ phòng thủ dân sự là để tạo cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa trong những trường hợp khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị-đó là phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa. 

>>Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

“Trong dự thảo luật này cũng đã quy định rõ việc thành lập, mục đích, nội dung, nguyên tắc hoạt động, nguồn tài chính hình thành Quỹ phòng thủ dân sự. Các quy định này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nói.

Về Quỹ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Phước Thắng (TP. HCM) nhất trí với phương án 1 quy định, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự.

, đại biểu Hà Phước Thắng (TP. HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng (TP. HCM). Ảnh: QH

Đồng thời, đề nghị cần rà soát các loại quỹ tương tự như Quỹ Phòng chống thiên tai, quỹ phòng chống dịch bệnh để tránh chồng chéo trùng lắp; bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong việc triển khai thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cơ bản thống nhất với phương án 1 theo hướng sáp nhập từ các quỹ phòng, chống thiên tai vào quỹ phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu chủ yếu là phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. 

Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn khi áp dụng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét việc cụ thể hóa việc sử dụng quỹ phòng thủ dân sự vào hoạt động nào cũng như rà soát các loại Quỹ có tính chất và mục đích sử dụng tương đồng như Quỹ phòng thủ dân sự khi được Quốc hội thông qua nhằm tránh chồng chéo.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QH

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu trước đó và chọn phương án 1, vì đây là Quỹ tài chính ngoài ngân sách với mục đích huy động lực lượng xã hội cho phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Đồng thời bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), đó là việc Chính phủ có thể nghiên cứu tích hợp chung với Quỹ phòng chống thiên tai. Do đó, Quỹ phòng thủ dân sự là nguồn lực sẵn có để giải quyết vấn đề cấp thiết ngay từ ban đầu.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cũng thống nhất với phương án 1 là giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như Điều 44 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng). Ảnh: QH

Báo cáo làm rõ vấn đề này, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và xử lý các vấn đề quan trọng tầm quốc gia để bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức.

“Như vậy, Quỹ này được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, bảo đảm cho trường hợp cần thiết và khẩn trương thì có nguồn lực để thực hiện được ngay”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nói.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng thảm họa sự cố chưa xảy ra nên khó hình dung, nhưng như trong thảm họa động đất của Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua thì chắc chắn rất khó có thể huy động được một nguồn lực lớn để phục vụ ngay cho giải quyết vấn đề. Khi đó nếu có Quỹ ngay từ đầu sẽ giải quyết được những vấn đề cấp bách.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương. Ảnh: QH

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương. Ảnh: QH

Mặt khác, việc quy định Quỹ phòng thủ dân sự cũng không trái với các quy định về ngân sách nhà nước. Quỹ phòng thủ dân sự do Chính phủ thành lập, có nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp. Trong trường hợp cấp bách thì Thủ tướng Chính phủ mới điều tiết từ các quỹ khác có liên quan đến phòng thủ dân sự.

“Quỹ phòng thủ dân sự độc lập với ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương và nhân dân bị thiệt hại. Quỹ sẽ được giao cho Bộ Tài chính quản lý và hướng dẫn sử dụng nên bảo đảm chặt chẽ”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

    20:16, 05/04/2023

  • Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

    20:11, 04/04/2023

  • Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

    12:52, 15/03/2023

NGUYỄN VIỆT