Xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất

NGUYỄN VIỆT 06/04/2023 18:13

Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét để rút ngắn lại thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

>>Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 6/4.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An). Ảnh: QH

Phát biểu ý kiến đối với quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Lê Thị Song An cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.

Nội dung thông báo thu hồi đất gồm lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất; kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

“Nếu áp dụng trong thực tiễn thì quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp. Thời gian thông báo nêu trên là quá dài, trong khi mục đích việc thông báo thu hồi là để người sử dụng đất biết được quyền sử dụng đất của mình sẽ bị thu hồi để thực hiện công trình, dự án. Việc kéo dài thời gian thông báo thu hồi không có tác dụng để người sử dụng đất đồng thuận chủ trương thu hồi”, đại biểu Lê Thị Song An nói.

Do đó, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét để rút ngắn lại thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

>>Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa). Ảnh: QH

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ cơ sở để xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng tầm nhìn trong sử dụng đất thì còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến chủ quan, không có cơ sở chặt chẽ.

Tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch cấp tỉnh phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là về đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất xây dựng cơ sở hạ tầng…

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu cho rằng đây là việc cần thiết, nhưng đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì không cần thiết phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân, vì đây là việc làm hình thức, làm chậm tiến độ xử lý công việc.

Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy định trong dự thảo luật còn định tính, chưa rõ ràng, cần nghiên cứu rà soát để quy định cụ thể hơn.

đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: QH

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra, đến năm 2045 đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ.

Để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành và những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu ha trở lên. 

Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên nên giao để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này.

Đại biểu cũng nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

“Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

    20:16, 05/04/2023

  • Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

    15:00, 27/03/2023

NGUYỄN VIỆT