Nam Định: Giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề
Nam Định hiện có 142 làng nghề, cùng với xu thế phát triển của làng nghề, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, ở một số làng nghề vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
>>>Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp
Thực trạng...
Thời gian qua, do phát triển quá nhanh lại thiếu quy hoạch đồng bộ, cơ sở vật chất yếu, lỏng lẻo trong quản lý..., dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở các địa phương trên cả nước hết sức trầm trọng.
Hiện trên toàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề.Trong đó có 17 làng nghề truyền thống đang hoạt động với tổng số khoảng 16 nghìn hộ làm nghề. Các làng nghề chủ yếu sản xuất sơn mài, thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu…Cùng với xu thế phát triển của làng nghề, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, ở một số làng nghề vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Làng nghề tái chế nhôm ở thôn Bình Yên, xã Nam Thanh - Nam Trực có trên 200 hộ làm nghề cơ khí, đúc nhôm với các sản phẩm chủ yếu là đồ nhôm gia dụng, nhôm thỏi... sản xuất ngay tại khuôn viên nhà ở. Hàng tháng, các hộ dân làng nghề Bình Yên tái chế khoảng 1.500 tấn nhôm phế liệu, sử dụng trên 40 tấn than đá và 2 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm. Với khối lượng tiêu thụ nguyên liệu như vậy, hàng ngày các hộ dân ở làng này thải ra ngoài môi trường 4-5 tấn chất thải rắn nguy hại và hàng trăm mét khối nước thải chứa hóa chất tẩy rửa và cặn thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm axit, xút, crom và một số hóa chất chuyên dụng khác) chưa qua xử lý.
Cùng với đó là ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, khí thải bốc lên từ các lò nấu nhôm. Ở làng nghề cơ khí Vân Chàng, thị trấn Nam Giang - Nam Trực có 283 hộ sản xuất, các sản phẩm chủ yếu gồm: nhôm thỏi, dao, kéo, xẻng, bánh lồng, phụ tùng xe máy, xe đạp...
Mỗi tháng, làng nghề sử dụng khoảng 300 tấn than và 112,5 tấn hoá chất các lại như axít, xút. Mặc dù làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải công nghiệp dẫn qua 2 hồ điều hòa để lắng cặn trước khi xả ra ngoài môi trường nhưng vẫn còn trong tình trạng ô nhiễm môi trường. Làng nghề sơn mài, mây tre đan xuất khẩu tại xã Yên Tiến (Ý Yên) có khoảng 3.000 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm sơn mài từ tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ. Đa số các hộ dân tại đây đều sản xuất thủ công, nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp nên ý thức bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Riêng sản xuất sơn mài, nứa chắp, hàng ngày làng nghề tiêu thụ khoảng 100 tấn nứa. Người dân thường ngâm tre nứa tại các con sông, kênh mương khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo huyện Ý Yên: Những năm qua, địa phương khuyến khích người dân tự đào hố để ngâm nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm.
Ở các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường)… vẫn tồn tại tình trạng sử dụng hóa chất độc hại như axit, xút, dung dịch mạ, dung môi hữu cơ, sơn màu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và người dân địa phương.
Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng nghề làm bún phở Phong Lộc, xã Nam Phong (thành phố Nam Định), làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy)... do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi cả một khu vực rộng vào một số thời điểm nhất định. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển tự phát, manh mún, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; vẫn còn hiện tượng thành lập mới các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc danh mục ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề.
Nguyên nhân một phần cũng do nguồn vốn của các hộ dân làng nghề có hạn nên việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải còn khó khăn. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu…
Cần mạnh tay...
Theo lãnh đạo Sở TNMT: Một trong nhưng cái khó về quản lý công tác môi trường là bộ máy nhân sự làm công tác quản lý về môi trường ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế tại địa phương. Đối với cấp xã, đặc biệt là các xã có làng nghề, nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường hiện nay đang rất thiếu, chưa có khả năng vận hành các công trình xử lý nước thải đã được bàn giao.
Những năm gần đây, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải, cảnh quan môi trường làng nghề dần thay đổi, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề cơ khí, thủ công mỹ nghệ phát triển, mở rộng quy mô sản xuất đã khiến việc xử lý ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi những giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường chưa mang lại hiệu quả, người dân làng nghề bị tác động không nhỏ, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công văn số 61/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tập trung chấn chỉnh hoạt động sản xuất và công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Khẩn trương lập và trình UBND huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, làm căn cứ để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề.
Rà soát, đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi khu dân cư đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không được khuyến khích phát triển và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư... Các sở, ngành, các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề.
Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thực hiện quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường làng nghề; tạo điều kiện hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển các nghề truyền thống. Rà soát, tổng hợp, công bố danh sách các nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển và làng nghề gây ô nhiễm môi trường; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển, di dời ra khỏi làng nghề.
Tham mưu cơ chế chính sách, phân bổ hợp lý các nguồn vốn cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường làng nghề nói riêng.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hy vọng thời gian tới môi trường tại các làng nghề sẽ được đảm bảo góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở các làng nghề.
Có thể bạn quan tâm