Quảng Ninh: Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản

TRUNG THÀNH 20/05/2023 00:06

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng, đòi hỏi công tác quản lý phải luôn được tăng cường, chú trọng.

>>>Quảng Ninh: Thiết lập môi trường du lịch lành mạnh

Từ tăng cường...

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Tỉnh luôn xác định nhiệm vụ quản lý tài nguyên than, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, lâu dài, do đó tỉnh đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng công an, bí thư, trưởng các thôn, khu, nếu để xảy ra khai thác than, khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản đã được tỉnh Quảng Ninh quản lý, sử dụng chặt chẽ. Từ đó, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ trên địa bàn.Tỉnh thường xuyên chỉ đạo siết chặt và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Tập trung rà soát quỹ đất tại những địa phương trọng điểm, các KCN, KKT, đô thị, các khu vực gắn với hệ thống giao thông động lực như: Quỹ đất hai bên tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều.

Trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép lĩnh vực tài nguyên nước và 4 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền về lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo đó, với Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030.

Trong Nghị quyết 10 ngày 26/9/2022 đã xác định sử dụng nguồn đất đá thải mỏ thay thế nguồn đất đồi truyền thống là yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.Từ đó, giải quyết vấn đề nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ phát triển kinh tế và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác than, giảm thiểu tác động các bãi thải mỏ tới đời sống nhân dân trên địa bàn.

Ủy ban MTTQ TP Hạ Long tổ chức giám sát cộng đồng về khai thác mỏ đất phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn (ảnh báo Quảng Ninh)

Ủy ban MTTQ TP Hạ Long tổ chức giám sát cộng đồng về khai thác mỏ đất phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn (ảnh báo Quảng Ninh)

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng đề cương và dự án Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng cát đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành điện), một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp.

Trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành 2 quyết định cấp quyền thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; Trình Bộ TN&MT hướng dẫn UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất đá thải mỏ than Suối Lại; Xây dựng kế hoạch và đề cương Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đến năm 2025.

Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế qua các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra.

...đến siết chặt

Theo lãnh đạo TP Hạ Long: Địa phương luôn quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin liên quan đến các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh than, khoáng sản (cát, đá, sỏi, sét, đất san nền), các hoạt động khai thác đất, san lấp mặt bằng trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên than, khoáng sản.

Theo đó, thành phố đã làm việc với các đơn vị ngành Than và một số doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần hoạt động khai thác lộ thiên, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác đối với một số loại khoáng sản có tác động xấu đến môi trường, nhất là tại một số khu vực có lợi thế phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sạch và nông nghiệp chất lượng cao... Gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường, cảnh quan để phát triển bền vững; từng bước chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm việc làm, đời sống công nhân, người lao động.

Chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, hiệu quả kinh tế thấp (ảnh báo Quảng Ninh)

Chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, hiệu quả kinh tế thấp (ảnh báo Quảng Ninh)

Tăng cường quản lý đất đai, xây dựng liên quan đến khai thác, chế biến, kinh doanh than; xử lý việc xuất lộ than tại các dự án. Các đơn vị ngành than đã chủ động tổ chức biện pháp bảo vệ và phối hợp với địa phương để bảo vệ, kiểm tra, ngăn chặn những hoạt động khai thác than trái phép, đảm bảo an ninh trật tự về ranh giới mỏ và địa bàn quản lý. 

Về thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên trên địa bàn, đến nay các dự án khai thác than đang được thực hiện đúng lộ trình quy hoạch và chỉ đạo của Chính phủ (dự kiến hết năm 2023 kết thúc 1 dự án và hết năm 2025 kết thúc 1 dự án).

Đối với các khoáng sản khác cũng được quản lý chặt chẽ. Thành phố thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan để triển khai xây dựng các quy hoạch mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng; dự án đầu tư, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định. Việc cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản phù hợp với nội dung quy hoạch khoáng sản của tỉnh, quy định của pháp luật. Quá trình thẩm định hồ sơ luôn được kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến khu vực cấm, hạn chế hoạt động khoáng sản, các vấn đề liên quan đến môi trường, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, đến nay trên địa bàn không có những điểm phức tạp về khai thác than, khoáng sản trái phép; công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản đã được kiểm soát toàn diện; trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản được giữ vững; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành than ổn định sản xuất, phát triển.

Tuy nhiên, theo nhận định của địa phương, công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Trong năm 2022, qua kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn mặc dù không xảy ra việc khai thác than trái phép, nhưng vẫn còn xảy ra hoạt động vận chuyển, mua bán, tập kết than không có nguồn gốc hợp pháp (lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, bắt giữ tổng cộng 35 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 497 triệu đồng).

Theo lộ trình phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Sau khi đóng cửa các khu vực mỏ đá đã hoàn nguyên cải tạo, phục hồi môi trường trả lại mặt bằng “xanh” cho những khu vực này (ảnh minh họa)

Theo lộ trình phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Sau khi đóng cửa các khu vực mỏ đá đã hoàn nguyên cải tạo, phục hồi môi trường trả lại mặt bằng “xanh” cho những khu vực này (ảnh minh họa)

Đối với khoáng sản khác, qua kiểm tra, phát hiện vi phạm như khai thác khoáng sản trên diện tích chưa có thiết kế thi công; vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; vi phạm việc không lập đề án đóng cửa mỏ đối với các trường hợp pháp luật quy định; vi phạm trong việc không lắp đặt trạm cân để kiểm soát sản lượng khai thác đá làm vật liệu xây dựng... Ngoài ra, địa phương cũng kiểm tra, phát hiện xử lý 7 vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai (hoạt động san gạt đất, hủy hoại bề mặt, làm biến dạng địa hình). Đầu năm 2023, địa phương đã thực hiện kiểm tra hoàn thiện hồ sơ xử lý đối với 1 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đóng cửa mỏ.

Do đó, để nâng cao hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ các cấp chính quyền đến cơ sở, nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm

    03:40, 18/05/2023

  • Quảng Ninh: Thiết lập môi trường du lịch lành mạnh

    Quảng Ninh: Thiết lập môi trường du lịch lành mạnh

    00:06, 18/05/2023

  • Kinh tế biển là trụ cột để Quảng Ninh phát triển bền vững

    Kinh tế biển là trụ cột để Quảng Ninh phát triển bền vững

    01:46, 17/05/2023

TRUNG THÀNH