3 hạn chế cố hữu trong hoạt động lập pháp

NGUYỄN VIỆT 23/05/2023 10:18

Hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó hạn chế cố hữu là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh. 

>>Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ngày 23/5.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QH

Nhìn lại chặng đường từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao kết quả đạt được. Trong đó có 2 điểm nổi bật. Một là, có được Đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ.

Ba hạn chế cố hữu

Có được Đề án này là vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, thể hiện tư duy chiến lược dài hơi song hành với nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Hai là, có phương thức lập pháp thích ứng với tình hình. Thời gian qua, Quốc hội đã kịp thời có những nghị quyết nhất là các nghị quyết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để trao cho Chính phủ thẩm quyền để ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có 3 hạn chế cố hữu. Thứ nhất, là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh. “Việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.

Thứ hai, là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Chứa đứng quy phạm chính trị tức là chứa đựng những định hướng, những nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người và hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.

Thứ ba, là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt ý là quá trình xây dựng chương trình luật pháp lệnh còn cài cắm lợi ích. 

Để khắc phục 3 tình trạng trên, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Phải khắc phục tình trạng luật, khung luật ống hạn chế bớt các vi phạm trong các đạo luật.

Cần đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để mà đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật.

“Nghị quyết về xây dựng chương trình luật pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

>>Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trong xây dựng Luật

đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh). Ảnh: QH

Để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật.

Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh. Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm rà soát trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

“Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội, thường xuyên cập nhật dự thảo tiếp thu chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, đảm bảo dự thảo đạt chất lượng cao khi trình Quốc hội thông qua”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh kiến nghị.

Số lượng dự án phải bổ sung còn lớn

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, việc lập Chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, các đề nghị xây dựng pháp luật ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao.

đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QH

Quá trình tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường, đặc biệt hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Năm 2023 số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn dự án đã được Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, theo phụ lục ba kèm theo Tờ trình số 476 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao.

Các đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: QH

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận. Ảnh: QH

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào chương trình năm 2024 vào năm 2025.

Về dự án Luật chuyển đổi giới tính, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự trong trường hợp dự án Luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, để tạo cơ sở pháp lý cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật để ban hành luật hoặc Nghị quyết quy định những vấn đề về nguyên tắc, về cơ chế pháp lý để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể…

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

    01:39, 23/05/2023

  • Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

    17:07, 22/05/2023

  • Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trong xây dựng Luật

    13:19, 22/05/2023

  • Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi

    10:05, 22/05/2023

  • Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Tìm lời giải cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp

    09:06, 22/05/2023

NGUYỄN VIỆT