Nhiều điểm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được thông qua

MINH CHÂU 20/06/2023 14:56

Chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, nhiều quy định mới đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi lần này nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

>>Các đối tượng trong khái niệm "người tiêu dùng" có bao gồm tổ chức?

Với 93,72% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng

Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung.

Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát lại các loại hợp đồng này.

Dự thảo Luật cũng có các quy định liên quan về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Dự thảo Luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

>>Cần cụ thể hơn quyền và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

 Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Giao dịch trị giá dưới 100 triệu đồng được giải quyết thủ tục rút gọn

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đồng thời, để bảo đảm tính xuyên suốt, liền mạch và thuận tiện trong tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Điều 78 được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh gọi điện, nhắn tin quấy rầy người tiêu dùng

Báo cáo giải trình cũng cho biết, có ý kiến cho rằng những cá nhân, tổ chức không chủ động thực hiện giao dịch, ví dụ như nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn quấy rầy. Trường hợp này, những người nhận những tin nhắn, thông tin về các giao dịch có được coi là người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ hay không?

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đã có quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng (điểm b khoản 1 Điều 10).

Do vậy, các chủ thể tiếp nhận thông tin trong trường hợp này được coi là người tiêu dùng và được bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

    03:00, 25/10/2022

  • Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

    04:10, 10/01/2022

  • Bảo vệ người tiêu dùng trên "chợ online"

    00:37, 14/12/2022

  • Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

    04:00, 21/10/2022

MINH CHÂU