Chế tài nào quản lý các cơ sở kinh doanh thẩm mỹ “chui”?
Nhiều trường hợp không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề lén lút phẫu thuật thẩm mỹ trong khách sạn, nhà trọ và đã gây ra tai biến tử vong, đang thách thức cơ quan chức năng.
>>Gỡ "nút thắt" cho ngành y tế
Đó là thông tin được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, chia sẻ với báo chí sau vụ tử vong do thẩm mỹ tại một khách sạn trên đường Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10 (TP.HCM), vừa qua.
Thách thức cơ quan chức năng…
Cụ thể, theo ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có trường hợp thẩm mỹ "chui, lén lút" trong khách sạn, nhà trọ. Thậm chí, có người không có chứng chỉ hành nghề lén lút phẫu thuật thẩm mỹ trong khách sạn, nhà trọ và đã gây ra tai biến tử vong.
Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, từ vụ việc này có thể thấy hoạt động kinh doanh thẩm mỹ "chui" đang trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý. Điều đáng lo ngại là hoạt động này đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ...
"Đã có những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phải y tế, thậm chí trong khách sạn, nhà trọ và gây ra những tai biến, thậm chí gây tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ”, ông Thượng nói.
Về các giải pháp, ngoài các giải pháp thanh tra, kiểm tra, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép.
Bên cạnh đó, ông Thượng cũng đề xuất sớm đưa vào hoạt động (sau giai đoạn thí điểm) phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê.
Sở Y tế khuyến khích người dân, người lao động và sinh sống tại các khách sạn, nhà trọ… khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về các hoạt động y tế trái phép thì cung cấp thông tin qua số đường dây nóng của Sở Y tế: (0967.771.010, 0989.401.155) hoặc ứng dụng "Y tế trực tuyến" trên điện thoại thông minh.
Đặc biệt ông Thượng cho biết Sở Y tế sẽ chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở liên quan nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ (như sử dụng học máy và học sâu, trí tuệ nhân tạo,…) nhằm nhận diện, phân loại và sàng lọc các nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động thẩm mỹ chưa được cấp phép.
Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, gây tai biến y khoa đặc biệt dẫn đến tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, Sở cương quyết xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật và công khai kết quả xử lý.
Đáng chú ý, mới đây, ngày 27/6/2023, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là một phụ nữ, sinh năm 1996, ngụ Cà Mau.
Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực tại một khách sạn trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch, huyết áp bằng không và tử vong sau đó. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 10 điều tra.
>>TP.HCM: 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển y tế chuyên sâu khu vực phía Nam
Cần có chế tài đủ mạnh
Nhận định về vụ việc tử vong do thẩm mỹ và các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đối với loại hình thẩm mỹ, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật hợp danh TP.HCM, cho rằng: Mấu chốt của sự việc xuất phát từ ý chí chủ quản của người hành nghề, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh thẩm mỹ. Tuy nhiên, sự cô nếu trên không thể không nhắc đến công tác quản lý của lực lượng chức năng và trách nhiệm liên quan.
Căn cứ theo quy định, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Trong đó, phòng khám chuyên thẩm mỹ thuộc hình thức phòng khám chuyên khoa.
Như vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa theo quy định pháp luật. Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động); Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
Về Trang thiết bị y tế: Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở; Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa; Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.
Cũng theo Luật sư Vân, hoạt động loại hình thẩm mỹ viện hay viện thẩm mỹ “chui”, không đủ điều kiện, đã xuất hiện và tồn tại từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây nhưng vì sao những tổ chức, cá nhân này vẫn tồn tại và đến khi xảy ra sự cố mới vào cuộc là vấn đề rất đáng lưu ý.
Trên thực tế, bên cạnh cơ quan quản lý chuyên môn thì chúng ta có nhiều cơ quan khác cũng quản lý, giám sát, như: từ thành phố đến quận, từ quận đến phường, tổ dân phố, nhưng vì sao các cơ sở có địa chỉ rõ ràng nhưng tại sao lại không phát hiện ra? Rõ ràng một trong những nguyên nhân để xảy ra những sự cố đáng tiếc có yếu tố buông lỏng quản lý từ cơ quan chức năng.
“Vì tiền, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thẩm mỹ không đủ điều kiện, không có chứng chỉ, thậm chí có chứng chỉ nhưng sẵn sàng bất chấp pháp luật và kiếm tiền bằng mọi giá, nhưng chế tài quản lý lại tỏ ra yếu kém, đang thực sự thách thức các cơ quan chức năng”, Luật sư Vân nói.
Theo Luật sư Vân, có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, có chế tài mạnh hơn, nghiêm hơn để chấn chỉnh loại hình kinh doanh này nếu không sẽ còn nhiều vụ việc đáng tiếc và thương tâm có chiều hương gia tăng, tiếp tục xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Quan tâm đúng mức, "bồi bổ" để ngành y tế mạnh hơn
16:35, 29/05/2023
Gỡ "nút thắt" cho ngành y tế
11:26, 06/03/2023
Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Đòi hỏi tính khả thi cao để gỡ khó cho ngành y tế
15:59, 06/01/2023
VietinBank đồng hành cùng ngành Y tế chuyển đổi số toàn diện
13:37, 06/12/2022
Gương mặt Doanh nhân trẻ tiêu biểu của ngành Y tế
10:03, 09/11/2022