Những bất cập trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã mang lại những kết quả tích cực, tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc…
>>Sửa Luật Hợp tác xã: Động lực thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
Theo đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn; trong đó, riêng Bộ Khoa học và Công nghệ là 50 văn bản.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, qua 15 năm triển khai Luật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên; được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường đến khâu sau khi đưa ra thị trường.
Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân; trong đó có Giải thưởng Chất lượng quốc gia từ cấp địa phương đến Trung ương.
Tuy nhiên, ông Định cũng cho biết, qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là đối với: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Việc triển khai các nguyên tắc quản lý chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các thông lệ quốc tế còn chưa được triệt để. Việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành chưa được phân định rõ ràng đối với một số sản phẩm, hàng hóa phát sinh trong thực tế.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc tách biệt giữa hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hoạt động dịch vụ kỹ thuật - hoạt động đánh giá sự phù hợp chưa thực sự minh bạch, dẫn đến sự chồng chéo, vướng mắc và tạo rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, không tận dụng được tối đa nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước. Giải thưởng Chất lượng quốc gia mặc dù là giải thưởng duy nhất được quy định ở cấp Nghị định và do Thủ tướng Chính phủ trao tặng nhưng chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị của giải thưởng.
Cùng với đó, hoạt động mã số mã vạch chưa phát huy được tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh được việc khai thác dữ liệu mã số, mã vạch, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai mã số, mã vạch cho doanh nghiệp.
>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính
Đáng chú ý, trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng cho thấy, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật còn khá nhiều. Điển hình như, hạ tầng chất lượng quốc gia còn chưa đầy đủ. Đội ngũ nhân lực còn hạn chế về năng lực. Các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn khó thực hiện.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng) cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện đang quy định thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc về các bộ. Qua gần 15 năm triển khai, việc ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 (hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác; sản phẩm dệt may các loại…) có nhiều bất cập.
Theo bà Hương, danh mục hàng hóa nhóm 2 của các Bộ có sự giao thoa, chồng chéo, chưa thống nhất khiến cho cùng một mặt hàng nhưng doanh nghiệp phải chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ. Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết, Luật chưa quy định cách thức xử lý, xác định kết quả thử nghiệm trọng tài/kiểm chứng, quy định về đăng ký chưa phù hợp cho việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Từ thực tế trên, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là điều cần thiết. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể bạn quan tâm