Thái Bình: Quyết liệt giải tỏa vi phạm hành lang đê điều
Với mục tiêu bảo đảm an toàn công trình đê điều, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Thái Binh đã quyết liệt giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang đê điều.
>>>Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?
Ông Trần Nguyên Soái - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến – Vũ Thư cho biết: Thời gian qua, địa phương quyết liệt ra quân xử lý vi phạm hành lang đê điều với nhiều hình thức khác nhau. Để công tác giải tỏa bảo đảm triệt để, xã thành lập đoàn khảo sát, thống kê, lập danh sách 100% các hộ vi phạm cần giải tỏa. Cán bộ thôn đến thông báo, tuyên truyền, vận động và ký cam kết với từng hộ để bà con tự giác giải tỏa sớm.
Thực tế, hầu hết các hộ tự giác tháo dỡ, giải tỏa công trình, cây cối vi phạm nhưng cũng còn một số hộ do không có lao động hoặc cố tình không giải tỏa, cần sự vào cuộc quyết liệt của xã. Từ ngày 11/7, xã huy động lực lượng tiến hành giải tỏa trên toàn bộ tuyến đê. Kết quả, đã tháo dỡ trên 300m2 tường bao, cổng dậu; phá bỏ hàng trăm cây trồng tại chân đê; phát quang hơn 10.000m2 cỏ dại, cây cối, rác thải trên mặt đê, mái đê. Đến nay, tuyến đê qua địa bàn thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai.
Ông Lại Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Địa phương hiện có gần 100km đê các cấp, trong đó có gần 60km đê quốc gia là đê Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý, còn lại là đê bối dân cư. Qua khảo sát trước mùa mưa, bão, trên địa bàn huyện vẫn có hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vi phạm Luật Đê điều, phổ biến nhất là các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, lều quán, nhà tạm, tường bao cổng dậu, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, các trường hợp xe quá tải trọng lưu thông trên mặt đê gây sụt, lún mái đê.
Vi phạm xảy ra ở hầu hết tuyến đê, trong khi địa bàn huyện lại có nhiều tuyến đê đã xuống cấp và 6 trọng điểm đê xung yếu, nếu không giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang đê điều sẽ gây cản trở công tác phòng, chống thiên tai.
Theo ông Sơn: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh, từ ngày 19/5, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tới lãnh đạo các địa phương về công tác quản lý đê điều, kinh doanh bến bãi vật liệu ven sông. Trong quá trình triển khai, huyện khuyến khích các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ máy móc, nhân lực để nhân dân tự giác tháo dỡ, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang đê điều. Trên địa bàn huyện hiện có 19 cụm bến bãi với 48 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trong đó có một số bến bãi tập kết vật liệu ở vị trí sát chân đê, mái đê và chất vật liệu cao quá mức cho phép.
Huyện đã tổ chức ký cam kết với 100% chủ bến bãi và tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các chủ bến bãi tự giác di dời, giải tỏa vật liệu để bảo vệ an toàn hành lang đê, kè, cống và hành lang thoát lũ.
Kết quả, sau gần 2 tháng triển khai, phần mái đê và chân đê ở các tuyến đê đã cơ bản được giải tỏa, phát quang, bảo đảm thông thoáng. Nhân dân đã tự tháo dỡ hầu hết các công trình vi phạm, cấp xã cưỡng chế giải tỏa hơn 300 công trình vi phạm, cắt bỏ hàng nghìn cây trồng sát chân đê, các bến bãi đã chủ động di dời vật liệu bảo đảm an toàn hành lang đê điều, góp phần tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo Theo ông Vũ Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Thái Phúc – Thái Thụy: Tuyến đê sông tả Trà Lý đi qua địa bàn xã Thái Phúc có chiều dài khoảng 4km. Hiện nay, trên tuyến đê này có nhiều điểm phần hành lang an toàn bảo vệ đê điều đã bị lấn chiếm nghiêm trọng. Cụ thể các vi phạm ở đây là xây dựng mố cẩu ngay sát chân đê để chuyển vật liệu xây dựng từ các tàu thuyền neo đậu dưới lòng sông Trà Lý rồi chuyển vào chân đê; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê.
Ông Lưu cho biết thêm: Trên địa bàn xã hiện có 2 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và 4 mố cẩu để chuyển vật liệu xây dựng nằm ở khu vực ngoài tuyến đê sông tả Trà Lý. Do các bến bãi và mố cẩu trên được hình thành, xây dựng và tồn tại từ nhiều năm nay nên rất khó để xử lý và giải tỏa. Địa phương tuyệt đối không để phát sinh những vi phạm mới. Như vừa qua chúng tôi đã kiểm tra phát hiện và tháo dỡ kịp thời một cá nhân có hành vi cắm cọc để chuẩn bị xây dựng mố cẩu.
Toàn huyện Thái Thụy hiện có 87,3km đê thuộc địa bàn của 20 xã, thị trấn, trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông và 31,1km đê biển. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, huyện Thái Thụy đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do hệ thống công trình đê điều trên địa bàn Thái Thụy được phân bố trên diện rộng và trải dài khắp các địa phương trong huyện nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi vẫn còn phát sinh, nhất là tại các xã ven sông có hoạt động bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy, từ đầu năm đến nay, trên toàn tuyến đê huyện xảy ra 3 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai. Trong số các vụ vi phạm trên có 2 vụ đã được xử lý triệt để, còn 1 vụ vi phạm của hộ bà Nguyễn Thị Hạnh đến nay vẫn chưa được chính quyền xã giải tỏa theo quy định của pháp luật.
Ngoài những vi phạm đã được lập biên bản, xử lý trên thì tại một số bến bãi chất tải vật liệu xây dựng quá cao vào chân đê, mái đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và bãi sông, điển hình là các xã: Thái Phúc, Thái Thọ, Thụy Ninh, Thụy Việt, Thụy Quỳnh. Hiện tượng đổ rác thải lên thân đê, chân đê như tại các xã: Sơn Hà, Thụy Việt, Thụy Hải.., đặc biệt rác thải đổ lên mái đê, hành lang bảo vệ đê phía đồng tại Km24+300 đến Km24+400, đê sông Hữu Hóa, xã Thụy Việt.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy, đơn vị đã cử lực lượng thường xuyên kiểm tra phát hiện các vi phạm đê điều, kiến nghị các cấp chính quyền xử lý dứt điểm các vi phạm, tuy nhiên hiệu quả xử lý chưa được cao. Hiện nay, đơn vị đã báo cáo tình hình vi phạm trên và kiến nghị với UBND huyện tiếp tục có công văn để chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp cùng các xã, thị trấn thực hiện và có biện pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn tại, tái phạm và phát sinh theo pháp luật hiện hành.
Để xử lý dứt điểm các vi phạm hành lang đê điều, tỉnh Thái Bình cần quyết liệt tiếp tục chỉ đạo địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều. Các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc quản lý đê điều, công trình thủy lợi và tình trạng khai thác cát trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền Pháp lệnh khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi để nhân dân nắm rõ và chấp hành. Khẩn trương giải tỏa toàn bộ đối với hành vi vi phạm thân đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra mà không có các chứng cứ liên quan đến việc sử dụng đất, thời gian hoàn thành trước ngày 15/6; tổ chức ký cam kết với 100% hộ gia đình sinh sống ở ven đê không vi phạm và tái lấn chiếm hành lang đê điều…
Có thể bạn quan tâm