Lo ngại “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 3: VLXD “thừa lậu… thiếu chính quy”?
Thực hư chuyện khan hiếm VLXD ở Phú Yên để phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên, vẫn đang để lại nhiều ý kiến trái chiều.
>>Lo ngại “chảy máu” tài nguyên khoáng sản tại Phú Yên?
Thừa lậu…
Đáng nói, nhiều nhà thầu thi công đều phản ánh và khẳng định, tình trạng thiếu VLXD để thi công cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn, khiến các nhà thầu phải chạy đôn, chạy đáo sang các tỉnh lân cận để mua cát, đá, đất đắp nền… Và đây chính là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp vì thời gian vận chuyển, các phát sinh khác sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành của dự án. Song, các doanh nghiệp này cũng cho rằng, nói là “khan hiếm” nhưng vẫn có nguồn để mua, tuy nhiên, giá bán sẽ cao hơn các tỉnh lân cận.
Đơn cử, mới đây, nhà thầu thi công đoạn Km24+00 đến Km48+52 (dự án cao tốc Bắc - Nam xã thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) là Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công, đã phải lên tiếng vì thiều nguồn VLXD. Theo nhà thầu, việc xử lý một số đoạn tuyến có nền đất yếu gặp khó khăn do nhà thầu thi công không có nguồn vật liệu cát để đắp gia tải và phải chờ một mỏ cát tại địa phương đưa vào hoạt động.
Theo phản ánh của đại diện Ban điều hành gói thầu XL02, Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C cho biết, hiện tại các đơn vị thi công của công ty tại dự án cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó khăn khi các mỏ đất, cát tại địa phương chưa được cấp phép hoạt động. Do đó, nhà thầu đang phải mua cát trên thị trường để thi công đảm bảo tiến độ.
Tương tự, ông Đặng Đồng Hoan – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Tuấn Tú, chia sẻ: Nhìn chung nguồn VLXD phục vụ cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang có giá rất cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với tỉnh Khánh Hoà và Bình Định.
“Nói là thiếu VLXD thì chưa hoàn toàn đúng, hoặc có đúng thì chỉ đúng một phần, vì trên thực tế các chủ mỏ cát, vẫn có nguồn để bán. Chỉ có điều giá bán khá cao và doanh nghiệp phải tự vận chuyển, thì giá khoảng 250.000đ/m3 (đã bao gồm VAT), và 160.000đ/m3 không có VAT, nhưng thường thì các chủ mỏ bán tại mỏ không xuất hoá đơn, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, nhìn chung giá VLXD tại Phú Yên cao hơn các tỉnh lân cận khá nhiều, mặc dù có niêm yết giá nhưng doanh nghiệp không thể mua được giá đó. Thậm chí là một số doanh nghiệp buôn bán VLXD treo biển niêm yết giá, bảng giá (đá), nhưng thực tế thì không có hàng, khiến nhà thầu thi công phải sang tận Ninh Hoà (Khánh Hoà), để mua và vận chuyển về Phú Yên để thi công nên đã phát sinh chi phí.
Bức xúc không kém, ông Hồ Minh Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nắng Ban Mai, cho rằng, Phú Yên là địa phương được đánh giá trù phú về tài nguyên cát, đá, đất san lấp nhưng hiện nay lại đang thiếu trầm trọng là hết sức nghịch lý.
Trong khi, nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, Dự án tại tỉnh Phú Yên đang rất lớn. Riêng Công ty Nắng Ban Mai, với 10 nhà máy bê tông đang hoạt động, mỗi ngày cần trung bình 5.000 -10.000 m3 cát để phục vụ sản xuất. Mặc dù doanh nghiệp cũng đã tham gia đấu giá, đấu thầu các mỏ nhưng tới nay vẫn chưa có mỏ cát nào, mà phải đi mua toàn bộ để phục vụ cho các dự án là rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Hiếu, để chủ động cho các dự án mà đơn vị đang thi công, doanh nghiệp phải xoay xở đi mua cát từ địa phương lân cận (Bình Định), sau đó vận chuyển về TP. Tuy Hòa, làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển.
Về nguyên nhân, ông Hiếu cho rằng do các bất cập liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ. Cụ thể, khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì thủ tục nhiêu khê, thời gian rất kéo dài.
Doanh nghiệp lại đối mặt trở ngại liên quan đến việc giải phóng đền bù, khi cấp xã, huyện “đẩy” nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm thỏa thuận với dân. Giá đền bù người dân đưa ra lại rất cao (dẫn chứng là 1 ha doanh nghiệp phải đền bù 1,23 tỷ đồng, 180.000 đồng/1 cây trồng).
Cùng với đó, các mỏ khoáng sản đều chưa có đường đi vào mỏ nên doanh nghiệp lại phải tiếp tục thỏa thuận đền bù với người dân.
Đơn cử, theo ông Hiếu, Hiện địa phương có khoảng 10 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng được UBND tỉnh Phú Yên đưa ra đấu giá vào tháng 3/2023 và sắp tới là 19 mỏ khoáng sản chuẩn bị được đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đã được phê duyệt phương án đấu giá vào tháng 6/2023), nhưng không thể thoả thuận được với người dân vì giá đền bù khá cao.
>>Lo ngại “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 2: Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm
Thiếu chính quy…
Liên quan tới việc bức xúc của nhà thầu phản ánh về việc khan hiếm VLXD, và giá VLXD cao hơn các tỉnh lân cận, ông Nguyễn Thành Quang – nguyên Uỷ viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng: Việc các nhà thầu phản ánh về giá VLXD tại Phú Yên cao hơn các tỉnh Bình Định, Khánh Hoà là có thật vì ông đã từng nghe từ dư luận và báo chí. Tuy nhiên có một nghịch lý là nguồn VLXD của Phú Yên không thiếu, thậm chí trong thời gian gần đây có tình trạng khai thác trái phép sang địa bàn tỉnh Khánh Hoà để tiêu thụ, nhưng tại sao bán sang tỉnh Khánh Hoà rồi bán lại cho các nhà thầu thi công vẫn rẻ hơn Phú Yên?
"Tình trạng “thừa lậu nhưng lại thiếu chính quy” là hết sức nực cười", ông Quang nói và cho rằng, đây là vấn đề cần phải làm rõ, thậm chí các cơ quan chức năng cần phải tổ chức một cuộc điều tra, xác minh làm rõ và trả lời công khai cho cử tri và doanh nghiệp được biết mới mong lấy được sự đồng thuận trong dư luận.
Theo ông Quang, bản thân ông đã nhiều lần đi thực tế và phát hiện một số mỏ cát, đá khai thác triền miên cả ngày lẫn đêm (sông Đà Rằng, sông Hinh), sau đó đã phản ánh tới lãnh đạo tỉnh nhưng đâu lại vào đó. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan chức năng bây giờ là phải vào cuộc một cách quyết liệt để điều tra xem thế lực nào đang bảo kê, có ai chống lưng hay không mà sao nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm?
“Họ sẵn sàng qua mặt các cơ quan chức năng một cách bất chấp như vậy? Công an đâu, Thanh tra đâu? Chúng ta có cả một hệ thống Chính trị từ cấp Uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn, chuyên trách, thanh tra, kiểm tra… nhưng chúng ta lại để cho một nhóm lợi ích qua mặt một cách dễ dàng, coi thường pháp luật như vậy, là không thể chấp nhận”, ông Quang bức xúc.
Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, tổng nhu cầu vật liệu của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên khoảng 11,6 triệu m3 đất, cát và đá. UBND tỉnh đã cung cấp thông tin 29 mỏ khoáng sản trong quy hoạch để các nhà thầu khảo sát, lập hồ sơ cấp mỏ làm vật liệu thông thường. Đến nay, trong 8 hồ sơ đăng ký, tỉnh đã phê duyệt cấp phép hoạt động cho 3 mỏ khoáng sản; trong đó có 1 mỏ đã được đưa vào khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam.
Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành tập trung, tích cực, dành nhiều thời gian để thực hiện việc cấp phép và đưa vào hoạt động các mỏ khoáng sản trên địa bàn phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn. Trước mắt, phải ưu tiên các mỏ cát để phục vụ cho việc xử lý các đoạn tuyến có nền đất yếu. Tinh thần chung của tỉnh là thực hiện đẩy đủ các quy trình, thủ tục cần thiết với phương pháp làm trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 2: Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm
00:15, 05/08/2023
Lo ngại “chảy máu” tài nguyên khoáng sản tại Phú Yên?
00:29, 30/07/2023
Phú Yên: Kết nối du lịch và xúc tiến đầu tư với 4 tỉnh Tây Nguyên
08:33, 16/07/2023
Everland đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng năm 2023, khởi công các dự án tại Quảng Ngãi, Phú Yên
13:47, 31/05/2023
Khóa đào tạo cố vấn và hành trình mentoring tại Phú Yên
03:39, 30/05/2023