An Giang: Vì sao hàng loạt lãnh đạo ngành tài nguyên và doanh nghiệp bị bắt?
Cơ quan CSĐT- Bộ Công an chính thức ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với 18 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác cát tại Cty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68.
>>"Chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 4: Ai “chống lưng”?
Khởi tố vì nhận hối lộ…
Đáng chú ý, trong vụ án này, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT An Giang đã bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đường dây cát lậu lớn. Hành vi của ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang và 17 người khác liên quan đến việc khai thác cát lậu... đã được cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ.
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang bị khởi tố, bắt tạm giam, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét với 18 đối tượng.
Các bị can bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Đến nay, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ án, và hành vi của từng bị can vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, do UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 có trụ sở tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, do ông Lê Quang Bình là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho 4 công trình: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Công trình đường kênh Long Điền A-B và Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Từ những chứng cứ trên, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an cho rằng, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác bước đầu xác định là hơn 4,7 triệu m3 cát, trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Công ty bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với số cát khai thác vượt giấy phép 3,2 triệu m3 này.
Từ những kết quả trên, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an cáo buộc: “để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, ông Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do ông ta thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống hợp thức nguồn gốc cát”.
Đáng chú ý, số tiền thu được, ông Bình sử dụng chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT An Giang.
Căn cứ từ những tài liệu trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Đưa hối lộ” đối với ông Lê Quang Bình; Võ Truyền Thống, Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Tấn Lịnh, Giám đốc điều hành mỏ Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68; Khởi tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” đối với 6 bị can gồm: Lê Trọng Hải và Hoàng Hải Thụy, đều là Phó Tổng Giám đốc; Trần Anh Tuấn, Giám đốc Dự án. Và các nhân viên Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 gồm: Nguyễn Minh Thơi, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nhân; Khởi tố về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" đối với ông Từ Quãng Xuân, Giám đốc Công ty Phước Xuyên.
Khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ” đối với 7 đối tượng gồm: Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản; Trần Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Quan trắc (tất cả thuộc Sở TN&MT tỉnh An Giang) và các nhân viên trung tâm này gồm: Trương Minh Tâm, Thái Thành Quý, Lê Nhựt Trường, Nguyễn Văn Thọ và Bùi Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Nam Khang, Giám đốc Công ty Việt Khoa.
Hiện, cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
>>Choáng… những vụ trốn thuế “khủng” tại An Giang
Hàng loạt vi phạm trong quản lý, cấp phép
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra, trong đó nhắc đến "công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang" giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của tỉnh An Giang. Trong đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát còn một số hạn chế, vi phạm dẫn đến số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền thuế, phí chưa nộp của 1 tổ chức cần thu nộp vào ngân sách hơn 981 triệu đồng.
Giai đoạn từ tháng 7/2011 -12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Từ sau ngày 1/7/2011, An Giang gia hạn 15 giấy phép khai thác cát không đúng quy định.
Đáng nói, trong 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới không đúng quy định.
UBND tỉnh không thu tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát không đúng quy định, tổng số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 2,6 tỷ đồng…
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép. Các đơn vị được cấp phép khai thác cát thuộc dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” khai thác chậm tiến độ, công suất đạt thấp so với giấy phép xác định.
Đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022), Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 981 triệu đồng nhưng Cục thuế tỉnh An Giang chưa có biện pháp xử lý cương quyết để thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm, hạn chế nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; Giám đốc Sở TN&MT giai đoạn 2011-2020, các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
"Chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 4: Ai “chống lưng”?
00:30, 15/08/2023
Lo ngại “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 3: VLXD “thừa lậu… thiếu chính quy”?
00:30, 10/08/2023
Lo ngại “chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên - Bài 2: Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm
00:15, 05/08/2023
Lo ngại “chảy máu” tài nguyên khoáng sản tại Phú Yên?
00:29, 30/07/2023
Phú Yên: Kết nối du lịch và xúc tiến đầu tư với 4 tỉnh Tây Nguyên
08:33, 16/07/2023
Vụ sông Lam đang bị “rút ruột” bởi cát tặc: Tỉnh Nghệ An chỉ đạo gì?
15:00, 09/08/2023
Nghệ An: Sông Lam đang bị “rút ruột” bởi cát tặc
10:56, 06/08/2023
Nam Định: Kiên quyết với “cát tặc”
00:06, 04/07/2023
Giải pháp nào chống "cát tặc" ở Tây Nguyên?
08:00, 03/07/2023
"Cát tặc" lộng hành trên sông La Ngà tỉnh Bình Thuận
00:54, 29/09/2022