Quỹ dịch vụ viễn thông công ích: Nên tiếp tục duy trì và hoàn thiện quản lý

NGUYỄN VIỆT 24/08/2023 16:00

Việc hình thành các quỹ ngoài ngân sách trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết. Song, vấn đề là khâu quản lý bởi thực tế nhiều quỹ hoạt động kém do nguồn hình thành không rõ ràng, minh bạch.

>>Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần tính đến lợi ích quốc gia và doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh tại phiên họp cho ý kiến vào một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/8.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tuy được quan tâm ưu tiên nhưng thực tế còn nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp không muốn đầu tư vì không hiệu quả, trong khi nhà nước lại chưa phủ hết. Do đó, cần củng cố dịch vụ công ích và nghiên cứu các chính sách, quản lý nhà nước như thế nào để phủ sóng và đảm bảo an toàn viễn thông trên các khu vực này để mọi người dân tiếp cận dịch vụ.

“Nên nghiên cứu ban hành Luật quản lý quỹ ngoài ngân sách để quản lý cụ thể, thiết thực chứ không nên loay hoay bàn có duy trì quỹ hay không. Do khâu quản lý bị thả nổi nên nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm cũng như có các vấn đề phức tạp. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng luật, không ở nhiệm kỳ này thì cho các nhiệm kỳ sau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Trước đó, Trình bày báo cáo những vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật, về quỹ dịch vụ viễn thông công ích Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định quỹ trong luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.

Thường trực Ủy ban KHCN&MT thống nhất với loại ý kiến thứ hai vì lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông.

>>Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần có giải pháp phù hợp cho dịch vụ OTT

>>Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Lo ngại rào cản đối với thu hút đầu tư nước ngoài

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy.

Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Bộ TT&TT làm cơ quan chủ trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích là cần thiết.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ thêm lý do tại sao thời gian qua việc thực hiện quỹ chưa được như mong muốn. “Cơ quan soạn thảo luật cần phải làm rõ vướng mắc ở đây là gì để chúng ta đưa ra hành lang pháp lý cho quỹ hoạt động”, ông Mạnh nói.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đồng ý với phương án 2, đó là tiếp tục duy trì quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.

Làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quỹ viễn thông công ích là trách nhiệm phủ sóng rộng của nhà mạng như là một điều kiện cấp phép. Theo đó, bất kỳ một giấy phép viễn thông nào được Nhà nước cấp đều yêu cầu phủ sóng rộng, vì sử dụng tài nguyên hữu hạn.

“Nếu chúng ta không yêu cầu nhà mạng phủ sóng rộng thì Nhà nước phải đứng ra phủ sóng rộng và chi phí của Nhà nước rất cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cách làm của chúng ta là các nhà mạng đóng tiền vào quỹ này, sau đó Nhà nước giao tiền cho các nhà mạng đi phủ sóng vùng sâu, vùng xa.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian vừa qua quỹ đã góp phần quan trọng phổ cập dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận hành của quỹ còn nhiều tồn tại.

“Tồn tại chủ yếu là do cơ chế quản lý của quỹ này, như tiền Nhà nước nên rất khó chi. Vừa qua chủ yếu là chi hỗ trợ người nghèo, còn chi để phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa chưa được nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Do đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Chính phủ quy định hoạt động của quỹ theo hướng đây là tiền ngoài ngân sách. Từ đó sẽ tháo gỡ việc chi để xây dựng hạ tầng mạng lưới phủ sóng vùng sâu, vùng xa.

“Hiện nay, còn khoảng 8.000 thôn bản chưa có cáp quang. Chúng ta phủ sóng 2G đã tốt rồi, nhưng 4G chưa đến được vùng sâu, vùng xa nhiều, sắp tới còn 5G và 6G. Do vậy, nhu cầu sử dụng quỹ này trong thời gian sắp tới là rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần tính đến lợi ích quốc gia và doanh nghiệp

    13:36, 10/06/2023

  • Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần có giải pháp phù hợp cho dịch vụ OTT

    03:30, 02/06/2023

  • Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Lo ngại rào cản đối với thu hút đầu tư nước ngoài

    04:00, 30/03/2023

  • Sửa Luật Viễn thông: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

    00:30, 28/10/2022

NGUYỄN VIỆT