Việt Nam cần một chính sách thuế các - bon phù hợp để bảo vệ môi trường

MINH TUẤN 30/08/2023 18:16

Việc có một chính sách thuế các-bon phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.

Đây là vấn đề được đặt ra cho các đại biểu trong buổi hội thảo tham vấn đề xuất thuế các-bon nhằm giảm nhẹ tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) đối với Việt Nam do Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức.

>> Băn khoăn khoản phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Thuế các bon là một công cụ được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải nhà kính vào khí quyển.

Về tổng quan, Việt Nam đã có chính sách và khung pháp lý rõ ràng đó là: Nghị quyết 55-NQ/TW về việc nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế các-bon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về việc định giá các-bon, giảm phát thải khí nhà kính.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định 896/QĐ-TTg) cũng nhấn mạnh: Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các quy định về công cụ định giá các-bon như thuế các-bon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, đạt được mức phát thải ròng “bằng 0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển toàn cầu cấp bách, đạt được chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ và phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới cho thương mại và đầu tư toàn cầu được thiết lập kể từ Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít nhất thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá các-bon. Công cụ định giá các-bon được áp dụng là thuế các-bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải nhà kính, cơ chế tín chỉ các-bon (hay cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon).

Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon, cụ thể hệ thống thương mại phát thải (hay thị trường các-bon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, việc tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tác động của các chính sách liên quan của quốc tế có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như cơ chế CBAM, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phù hợp. Song song với lô trình thiết lập và vận hành thị trường các-bon nội địa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các Bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất quy định và lô trình áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo tham vấn đề xuất thuế các-bon nhằm giảm nhẹ tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo tham vấn đề xuất thuế các-bon nhằm giảm nhẹ tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon.

Phát biểu trực tuyến qua Zoom, Ông John Robert Cotton – Quản lý chương trình cấp cao, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP) cho biết: Tại hội thảo, các chuyên gia dự án sẽ trình bày kết quả nghiên cứu về khuôn khổ pháp lý quốc gia liên quan đến thuế, phí bảo vệ môi trường, kinh nghiệm quốc tế về thuế các-bon và đề xuất lộ trình áp dụng thuế các-bon phù hợp tại Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động của CBAM tới sản phẩm Việt Nam trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, việc xem xét các đặc điểm của thuế các-bon và các đặc điểm chính của thuế các-bon, thuế Bảo vệ Môi trường, cùng với phí Bảo vệ Môi trường mà quốc tế đang áp dụng được coi là tương thích với thuế các-bon trong số các loại thuế và phí khác nhau ở Việt Nam.

Chuyên gia Axel Mikaelova - Đối tác sáng lập cấp cao của Nhóm Khí hậu, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc triển khai thuế carbon: Thuế các-bon xác định mức giá cố định cho các-bon tính bằng USD/tCO2eq. Kể từ năm 2016, Colombia đã áp thuế các-bon đối với nhiên liệu hóa thạch được sản xuất hoặc nhập khẩu. Riêng than sẽ bị đánh thuế hoàn toàn từ năm 2028. Việc đánh thuế dựa trên hàm lượng các-bon của từng loại nhiên liệu và được tính ở mức 4,4 USD/tCO2 td. Thuế này bao gồm 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Colombia. Từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 4 năm 2023, doanh thu thuế các-bon của Colombia là 527 triệu USD, trong đó 80% dành cho các biện pháp bảo vệ môi trường và 20% dành cho các quỹ Hòa bình.

Trước đó, tại hội thảo tham vấn đầu tiên tổ chức tại Hà Nội ngày 14/4/2023, EU đề xuất tính toán lượng phát thải dựa trên lượng phát thải thực tế, do đó các doanh nghiệp phải tự đo lường lượng khí thải của mình. Nếu không thể xác định được toàn bộ lượng khí thải hoặc hoặc trong trường hợp khí thải gián tiếp thì các giá trị tiêu chuẩn sẽ được sử dụng để xác định lượng khí thải của hàng hóa.

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU, trước tiên là các công ty sản xuất thép, nhôm, xi măng, phân bón sẽ cần xây dựng báo cáo phát thải và kiểm soát lượng phát thải trong chuỗi sản xuất, giảm phát thải ở từng công đoạn trong chuỗi sản xuất của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Băn khoăn khoản phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

    Băn khoăn khoản phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

    00:20, 15/08/2023

  • Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

    Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

    00:30, 13/08/2023

  • Bộ Công Thương phát động Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II

    Bộ Công Thương phát động Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II

    10:45, 01/08/2023

MINH TUẤN