“Siết" quản lý các cơ sở khám chữa bệnh ngay từ khi cấp phép
Tước giấy phép là giải pháp cuối cùng, song, để quản lý chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh cần có chế tài đủ mạnh để "siết" các cơ sở này ngay từ lúc cấp giấy phép.
>>Hơn 42% chưa có giá dịch vụ, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào?
Đó là ý kiến của giới luật gia trước những thông tin nhiều cơ sở khám chữa bệnh liên tục vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân.
Cần chế tài đủ mạnh…
Đáng chú ý, trước những thông tin phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí lên tiếng, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm khiến đơn vị này buộc phải ban hành quyết định xử phạt hành chính, tước giấy phép hoạt động nhiều cơ sở khám chữa bệnh vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ngày 4/10/2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.
Đơn cử, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt là chủ hộ kinh doanh nha khoa thẩm mỹ Việt Pháp, P.10, Q. Gò Vấp, TP.HCM.
Sau khi kiểm tra, Thanh tra đã xử phạt 38,5 triệu đồng vì hoạt động không có biển hiệu theo quy định của pháp luật; lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; người thực hiện hành nghề không đúng thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh này cũng không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.
Ngoài bị xử phạt tiền, bác sĩ ở cơ sở này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.
Tương tự, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng xử phạt hành chính 69,5 triệu đồng đối với bác sĩ chuyên khoa da liễu là chủ hộ kinh doanh L'AMOUR BEAUTÉ, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM. Về lý do xử phạt do nội dung cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.
Đồng thời, bác sĩ này cũng bị tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng; buộc tháo gỡ quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là chủ hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Q.11, với số tiền 2 triệu đồng vì lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tương tự, Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là chủ hộ kinh doanh Phòng khám thẩm mỹ quốc tế HANJIN, P.2, Q.10, cũng bị xử phạt hành chính 23,5 triệu đồng do ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép; không bảo đảm đầy đủ thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định.
Ngoài ra Bác sĩ này còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong thời hạn 4,5 tháng; đình chỉ hoạt động một phần của cơ sở (đối với phòng tiểu phẫu vi phạm) trong thời hạn 4,5 tháng.
Liên quan đến những lùm xùm về những cơ sở khám chưa bệnh liên tiếp vi phạm trong quá trình hoạt động, Luật sư Nguyễn Duy Nguyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Giao, cho rằng: câu chuyện các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên vi phạm về các quy định về chuyên ngành, phạm vi, chức năng… không phải là vấn đề mới mẻ, mà nó đã tồn tại từ nhiều năm. Song, vấn đề cốt lõi ở đây chính là chúng ta đang thiếu các chế tài trong công tác quản lý đối các cơ sở này. Trong đó, một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở bất chấp các quy định của pháp luật, sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá là vì lợi nhuận trong lĩnh vực này khá cao, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng nhiều, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước tại các bệnh viện thường quá tải. Và đây chính là cơ hội của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lợi dụng vào tâm lý của người bệnh để trục lợi, sẵn sàng khám chữa bệnh cho người dân mặc dù nội dung khám bệnh này không được đăng ký, không có trong danh mục khám chữa bệnh.
Cũng theo Luật sư Nguyên, sự tồn tại của các cơ sở khám bệnh không đủ điều kiện không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà còn gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân trong quá trình khám chữa bệnh là hết sức nguy hiểm. Câu chuyện về các cơ sở khám chữa bệnh, viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện… vi phạm các quy định, làm chui và gây hậu quả dẫn đến chết người trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.
>>Gỡ "nút thắt" cho ngành y tế
… để “siết” các cơ sở khám chưa bệnh
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: hoạt động khám chữa bệnh nói chung, làm đẹp (thẩm mỹ) nói riêng, là ngành nghề hoạt động đặc thù. Do đó, để quản lý chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần có chế tài đủ mạnh để siết các cơ sở này ngay từ lúc cấp phép. Bởi, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên, việc tước giấy phép hành nghề (tạm thời) chỉ là giải pháp cuối cùng, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động); Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
Về trang thiết bị y tế: Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở. Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa; Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.
Đối với các cơ sở thẩm mỹ: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, thẩm mỹ viện muốn có Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thì ngoài các điều kiện trên, thẩm mỹ viện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (nếu có).
Về quy định xử phạt vi phạm về điều kiện hoạt động: Căn cứ tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đối với tổ chức vi phạm phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tuy nhiên, Luật sư Vân cũng lưu ý, hiện các chế tài trong quản lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa thực sự chưa đủ mạnh để có thể răn đe. Do đó, để siết chặt các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người dân thì các cơ quan chức năng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra để hạn chế những rủi ro không đáng có xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Chế tài nào quản lý các cơ sở kinh doanh thẩm mỹ “chui”?
05:18, 30/06/2023
S-Life Beauty Equipment - Thương hiệu phân phối thiết bị thẩm mỹ tốt nhất 2023
18:06, 20/05/2023
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ ngành công nghiệp thẩm mỹ
16:52, 18/03/2023
Top10 SaiGon gợi ý top thẩm mỹ viện, spa trị mụn uy tín
10:30, 04/01/2023
Thanh Hóa: Bị đình chỉ, Nha khoa thẩm mỹ 108 vẫn ngang nhiên hoạt động
10:14, 20/06/2022