Có nên giao Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội?
Đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là những dự án mẫu, làm điển hình để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.
>>Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 26/10.
Tranh luận về ý kiến các đại biểu đồng tình chọn phương án 1 là tổ chức công đoàn là chủ đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng lý giải này là chưa thỏa đáng vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động.
Đồng thời, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Khi thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.
>>Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
>>Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, tuy nhiên đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.
Phát biểu tranh luận về vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có.
“Do đó, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý”, đại biểu Tô Văn Tám nói.
Vẫn theo đại biểu Tô Văn Tám, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.
Từ đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.
Tranh luận về việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu mục đích giao cho Tổng Liên động Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản nhằm thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận thấy đây là vấn đề cần hết sức quan tâm. Bởi khi có các tổ chức đại diện cho người lao động hình thành, họ cũng có thể sử dụng rất nhiều công cụ vật chất hấp dẫn hơn để thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức của mình.
“Như vậy, khi xảy ra tình trạng này, công cụ, biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng. Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng bày tỏ.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đồng tình với quy định này.
Tuy nhiên, đây là quy định mới, do đó đề nghị cần đánh giá thận trọng, kỹ lượng, trên cơ sở yêu cầu về thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trao đổi làm rõ về sự cần thiết khi quy định giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết quy định này đáp ứng cả ba căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Cụ thể, về mặt chính trị thì Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động. Về căn cứ thực tiễn, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện trên thực tế.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết thêm, công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và công đoàn thì đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn.
Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.
Trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy định về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ tư dự án nhà ở, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có báo cáo lại các đại biểu, trong trường hợp quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở thì phải có sự sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ.
Có thể bạn quan tâm
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
15:28, 25/10/2023
Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
18:22, 24/10/2023
Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội
04:24, 24/10/2023
Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép
17:08, 23/10/2023