Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội
Vướng mắc trong Luật Đất đai hiện nay rất lớn, do đó, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngày đó.
>>Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đai
TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 3/11.
“Nếu cần thiết thì trong lần họp tiếp theo có thể bổ sung thêm thời gian để thảo luận và sớm thông qua. Vì vướng mắc trong Luật Đất đai hiện nay rất lớn. Do đó, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngày đó”, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Từ đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc mong muốn tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Bởi phần lớn các nội dung đã có sự thống nhất. Điều cần thiết lúc này là chúng ta phải có quyết tâm cao.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở đường lối của Đảng, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế-xã hội đó, cấp có thẩm quyền còn phê duyệt các chủ trương thực hiện các dự án là động lực trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng tất cả các dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội được các cấp có thẩm quyền, bao gồm Quốc hội, Chính phủ và cả Ủy ban nhân dân các địa phương phê duyệt và thông qua đều là các dự án phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc.
“Vì các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vừa làm ra lợi nhuận của mình lại vừa đóng góp vào sự phát triển của xã hội, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Góp ý về phương án 1 điểm b khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật Đất đai quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng điều kiện quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết quy định này đã, đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân dẫn chứng, Bình Dương có nhiều doanh nghiệp trước đây do thừa kế tặng, cho hoặc tự bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp của người dân, rồi bàn giao lại cho Nhà nước để Nhà nước cho thuê lại và tiến hành sản xuất kinh doanh.
Hiện có 3.000 doanh nghiệp Bình Dương nằm trong vùng đã được quy hoạch làm đất ở và đất thương mại dịch vụ nhưng lại đang sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc khu vực có chủ trương phải di dời trong thời gian tới.
>>Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất
>>Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ yêu cầu có “đất ở” mới được làm nhà ở thương mại
“Nếu chọn phương án 1 thì gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền để di dời và cũng không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh trên đất”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nêu rõ, phương án 1 chưa phù hợp với thực tế. Do đó, kiến nghị Quốc hội ủng hộ phương án 2 điểm b khoản 3 Điều 131.123 tương ứng với phương án 1.22.2 tại khoản 6 Điều 128.
Để tránh thất thu ngân sách nhà nước do chênh lệch địa tô đối với đất có nguồn gốc đất công theo tinh thần Nghị quyết của 18-NQ/TW của Đảng, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 125, Điều 126 và điểm a khoản 1 Điều 158 của dự thảo Luật theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đồng thời, cần quy định rõ chính sách, quy trình, thủ tục đối với loại đất công là đất sạch, chưa có công trình, dự án đang triển khai và loại đất công đang cho doanh nghiệp sử dụng được Nhà nước cho thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án thuộc lĩnh đầu tư…
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chọn phương án 2 điểm c, khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật nhưng cần bổ sung đối tượng dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và giao cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hướng dẫn chi tiết để tháo tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn nhiều năm qua trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về Điều 47 dự thảo Luất, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bỏ quy định trong cùng một đơn vị hành chính mới được chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. Vì điều này sẽ hạn chế quyền công dân trong nhận thừa kế, tặng cho chuyển nhượng đất nông nghiệp, hạn chế những người có năng lực sử dụng đất hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đai
04:00, 03/11/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất
01:00, 03/11/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ yêu cầu có “đất ở” mới được làm nhà ở thương mại
15:50, 02/11/2023