Số hóa quản lý thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Thuế đã giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
>> Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, sau 32 năm xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đến nay hệ thống CNTT ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế.
Tính đến ngày 31/10/2023, đã có 912.339 doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,92% số doanh nghiệp đang hoạt động; có 904.730 doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,09%, trên 3,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 642,9 nghìn tỷ đồng và trên 4,8 triệu USD.
Để phục vụ công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả đến ngày 31/10/2023 đã có 74 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công trong đó có các nhà cung cấp lớn như Google, Facebook…
Tiếp đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin TMĐT hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua Sàn TMĐT kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin… Kết quả đến ngày 31/10/2023, đã có 375 sàn TMĐT thực hiện thủ tục gửi thông tin qua cổng.
Đặc biệt, từ 1/7/2023, 100% tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng hoá đơn trên toàn quốc đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Việc triển khai thành công hệ thống HĐĐT đã làm thay đổi phương thức quản lý, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, công khai, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển TMĐT. Kết quả đến ngày 8/11/2023, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,67 tỷ hóa đơn (trong đó 1,63 tỷ hóa đơn có mã và 4,04 tỷ hóa đơn không mã).
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, xây dựng và vận hành các cổng thông tin điện tử phục vụ doanh nghiệp, người dân khai nộp thuế, ngành Thuế đang triển khai thêm nhiều ứng dụng khác như: Bản đồ số hộ kinh doanh, tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Cùng với đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã thực hiện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc. Kết quả đến ngày 31/10/2023 có 35.565 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là 51,6 triệu hóa đơn.
Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, ông Phạm Quang Toàn cho biết, ngành Thuế tiếp tục lấy doanh nghiệp, NNT làm trung tâm phục vụ, theo đó thay vì quản lý, ngành Thuế sẽ chuyển sang phục vụ. Theo đó, ngành Thuế phải cung cấp nhiều, tốt nhất các dịch vụ, các dữ liệu cho NNT. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự công bằng cho NNT.
Ông Phạm Quang Toàn cho biết, ngành Thuế đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 90% thủ tục hành chính điện tử cấp độ 3, 4; 100% NNT được cấp định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, ngành Thuế hướng tới 80% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng; 100% nhu cầu, công việc tin học hóa tập trung, tích hợp; 50% hoạt động kiểm tra trên môi trường số; 100% hồ sơ cán bộ lưu trữ điện tử; 100% kết nối trao đổi thông tin giữa các bộ, ban, ngành; 100% báo cáo chia sẻ trên hệ thống báo cáo quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số không chỉ giúp ích cho người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, mà công tác quản lý của ngành Thuế cũng được đảm bảo chặt chẽ hơn, qua đó tránh thất thu ngân sách. Nổi bật nhất là triển khai thực hiện hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử tiết kiệm chi phí cho cả xã hội về nhiều mặt, kể cả về nghiên cứu cơ sở dữ liệu. Việc triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế đến nay đã có 74 nhà cung cấp khai thuế, nộp thuế. Đây chính là hiệu quả của chuyển đổi số, vừa mang lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng lợi đồng thời cũng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế…
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra. Do đó, cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thuế định hướng phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước...
Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Trong đó, ngành Thuế sẽ xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; đưa ứng dụng Chatbot vào hỗ trợ NNT; tiếp tục mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số. Việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Có thể bạn quan tâm