Libra sẽ thách thức đồng bản tệ?
Sự ra đời của đồng Libra của Facebook là bước tiến mới trong kỷ nguyên số. Có nhiều lo ngại rằng đồng tiền này sẽ thay thế hoặc đe dọa các đồng bản tệ của các quốc gia.
Libra sẽ hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain và dự kiến bắt đầu được Facebook đưa ra thị trường vào năm 2020.
Chỉ là tiền thanh toán
Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh cho biết, theo dự kiến, Libra là đồng tiền ổn định, sẽ không có khả năng tăng giá, mà chỉ dùng để thanh toán. “Libra không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư, nhưng sở hữu –chuyển đổi như một phương tiện thanh toán, sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho người dùng”, ông Khánh cho biết.
Cùng quan điểm xem Libra chỉ là một công cụ thanh toán, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Tiền quốc gia có chức năng làm công cụ thanh toán và một số chức năng khác, nhưng một công cụ thanh toán thì không phải là tiền.
Có thể bạn quan tâm
Facebook với tham vọng tạo hệ sinh thái tiền điện tử
00:24, 20/06/2019
Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử là điều dễ hiểu!
04:19, 09/08/2018
Nhà đầu tư tiền điện tử chịu thiệt khi chưa có hành lang pháp lý
06:12, 05/08/2018
NHNN: Tiền ảo không phải là tiền điện tử
14:02, 07/06/2018
Theo đó, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu Facebook đạt giá trị giao dịch như Amazon thì Libra sẽ có sức mạnh đáng kể, nhưng vẫn chưa thể gọi là đồng tiền nếu các quốc gia lớn như Mỹ và EU không công nhận nó có giá trị giao dịch chuyển đổi theo tỷ giá với đồng tiền quốc gia của mình.
Dù chưa thể thay thế đồng bản tệ của một số quốc gia, nhưng nếu Facebook thiết lập được 1 hệ sinh thái, thì có thể sẽ thay thế cả vai trò của các ngân hàng, và Libra sẽ tiền tệ hóa qua tài sản hóa.
“Facebook dù lớn đến đâu cũng là một công ty, công cụ thanh toán trên mạng Facebook và các đối tác có thể rất rộng lớn, nhưng một khi các quốc gia như Mỹ, EU không chấp nhận như công cụ thanh toán và tích lũy trên quốc gia họ thì cũng không có giá trị như tiền. Tóm lại, hướng tạo ra các công cụ thanh toán điện tử để tăng tính thuận tiện trong giao dịch điện tử của các hệ thống mạng như Facebook là đúng, nhưng nói nó đe dọa vị thế và chức năng đồng USD hay EUR… thì vẫn còn phiến diện”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Ảnh hưởng trong tương lai
Trong lịch sử kinh tế toàn cầu, USD và EUR đã trải qua rất nhiều thời gian để trở thành những đồng tiền lớn, được nhiều quốc giá neo thành đồng tiền quy đổi giá trị bản tệ của mình.
Ngay như đồng CNY, Trung Quốc đã và đang nỗ lực phát triển một nền kinh tế hùng cường để giúp CNY soán ngôi vương của USD, thành đồng tiền thanh toán thương mại toàn cầu, nhưng vẫn chưa thành.
Điều đó cho thấy rằng, việc xây dựng một đồng tiền có ảnh hưởng toàn cầu đòi hỏi một nền tảng công nghệ siêu việt. Tuy nhiên, để gắn với đồng tiền quy đổi một quốc gia và được các quốc gia đứng đầu thế giới công nhận, cho phép ứng dụng đại trà – thực sự không đơn giản.
Bản thân Facebook vốn là 1 nền tảng có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, Libra có sự khác biệt với ứng dụng kết nối- thanh toán đặc biệt kiểu Wechat, được Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á sử dụng. Có nghĩa, Libra được sử dụng như một ứng dụng kết nối thanh toán, mà lại không có đồng tiền số nào. Nói cách khác, cho dù Libra có được sự “công nhận” của 2 tỷ người dùng Facebook, nhưng đây vẫn sẽ là công cụ “đóng” và khó tiền tệ hóa khi mỗi một quốc gia đều ý thức về trật tự, kỷ luật và giá trị đồng bản tệ.
Theo ông Phan Dũng Khánh, không thể phủ nhận vai trò tiền số trong kỷ nguyên số. Hầu hết những người phản đối tiền số đều đã phải quay lại tích hợp nó vào sản phẩm, dịch vụ của mình. Thời đại số hóa tài sản, chứng khoán điện tử và rộng hơn là kinh tế số sẽ sớm bùng nổ. Samsung, Apple… đều đã công bố sẽ tích hợp ví điện tử thật sự vào sản phẩm của họ. “Nếu doanh nghiệp nào có thể phát hành các loại ví đựng được mọi loại tiền điện tử và hỗ trợ đầy đủ các lợi ích của nó chắc chắn sẽ là Start-up thành công vang dội”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cũng nhận định, tiền điện tử được đánh giá có cơ hội phát triển mạnh hơn trên nền công nghệ mới. Đó là chưa kể việc chứng khoán điện tử cũng có thể sẽ ra đời trong tương lai hay các loại tài sản số cũng được nhắc đến… Những điều đó cho thấy, nếu không có tiền điện tử thì sẽ không thực hiện được. Vì vậy, việc Facebook công bố dự án tiền ảo của mình đã mang lại niềm tin lớn hơn cho các nhà đầu tư vào thị trường này.
Tất nhiên, dù chưa đe dọa hay có năng lực thay thế đồng tiền pháp định của một số quốc gia, nhưng Facebook với quyền lực kết nối mạnh mẽ, nếu thực sự thiết lập được 1 hệ sinh thái, thì có thể sẽ thay thế cả vai trò trung gian tài chính của các ngân hàng, và Libra sẽ tiền tệ hóa thông qua tài sản hóa.