Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực Fintech

Nguyễn Long 29/01/2020 04:00

Trao đổi với DĐDN, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin dự báo năm nay sẽ là năm cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam, đặc biệt khi cơ chế dần mở cửa hơn với lĩnh vực này.

Ông Trần Việt Vĩnh, Founder & CEO của Fiin.Fiin

Ông Trần Việt Vĩnh, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành Fiin.

- Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoài nước rót vốn vào lĩnh vực Fintech. Điều này sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực này, thưa ông?

Theo tôi, năm 2020 sẽ có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt trong lĩnh vực Fintech ở thị trường Việt Nam. Sở dĩ như vậy là bởi Nhà nước đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng dịch vụ số cung ứng cho người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ tài chính số của mình. Đặc biệt, với sự khuyến khích của Nhà nước, các doanh nghiệp với sự đầu tư của các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài đã thành công trên thị trường quốc tế sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này sẽ làm cho cuộc đua tranh giành thị phần tài chính số sẽ ngày càng khốc liệt hơn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Fintech Việt Nam bùng nổ bất ngờ: Tổng vốn đầu tư tăng từ 0% lên 36% khu vực Đông Nam Á chỉ sau 1 năm!

    16:00, 16/01/2020

  • Giới hạn sở hữu nước ngoài hạn chế sự phát triển của fintech Việt Nam

    05:40, 11/01/2020

  • Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư Fintech

    20:53, 21/12/2019

- Trong 2020, các “ngoại binh” Fintech mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, hay họ đã có sự chuẩn bị từ trước đó, thưa ông?

Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp ngoại không chỉ bắt đầu từ năm 2020, mà từ trước đó, họ đã phát triển các dịch vụ, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam.

Trong 2 năm gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số như Shinhan Bank , UOB, Saison Credit... đã gia nhập thị trường Việt Nam. Họ đẩy mạnh việc đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp nội để cung cấp dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự tham gia của các công ty đa quốc gia phát triển các dịch vụ tiện ích, như Grab... Đi lên từ một nền tảng dịch vụ kết nối gọi xe công nghệ, giờ đây Grab đã trở thành một nền tảng đa dịch vụ, phục vụ các nhu cầu hàng ngày của người dùng. Theo tôi, trong năm 2020 chắc chắn họ cũng sẽ triển khai cung ứng dịch vụ tài chính số tích hợp trên app Grab.

- Vậy theo ông, các doanh nghiệp Fintech Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với các "ngoại binh"?

Với định hướng của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập dịch vụ tài chính số cũng như phát triển tài chính toàn diện đến người dân, thì những công ty cung ứng dịch vụ công nghệ tài chính sẽ có cơ hội phát triển trong năm 2020 cũng như các năm tới.

Trong năm vừa qua, một số doanh nghiệp Fintech Việt Nam với sự đầu tư mạnh mẽ của các quỹ đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ và vươn lên khẳng định vị thế, cũng như chiếm lĩnh được thị phần của mình.

Đâu đó chúng ta có nhìn thấy 4- 5 doanh nghiệp điển hình trong thị trường này. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp đang âm thầm chuẩn bị nguồn lực để chiếm ưu thế cạnh tranh, trong đó một số doanh nghiệp có thể sẽ chỉ cạnh tranh ở thị trường ngách. 

Các doanh nghiệp Fintech nội có ưu thế hiểu biết thị trường bản địa hơn các doanh nghiệp ngoại, chúng ta nắm bắt được nhu cầu của người dân, có thể cung cấp dịch vụ cá thể hóa. Bên cạnh đó, lựa chọn hướng đi hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính số sẽ giúp các doanh nghiệp Fintech nội cải thiện sức cạnh tranh với các "ngoại binh".

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Long