Cẩn trọng chiêu trò tung hứng con số của ví MoMo
Đội marketing của MoMo thừa biết các chiêu trò để biến các mức khuyến mãi "nho nhỏ" của ví điện tử này thành những thông điệp giảm giá ‘to đùng’.
Có một câu chuyện cười:
Tại lễ tổng kết năm học, thầy hiệu trưởng tuyên bố: Số học sinh xuất sắc năm nay tăng 200% so với năm ngoái.
Sau buổi lễ, phụ huynh học sinh mới hỏi thầy, năm ngoái có bao nhiêu học sinh xuất sắc.
Thầy trả lời: 1 em.
Thầy hiệu trưởng nói không có gì sai. Nhưng cách chọn con số để nói của thầy mang lại cảm giác “hoàng tráng” hơn thực tế cho người nghe. Cách chọn số này thực ra là có cơ sở về tâm lý học, đang được sử dụng rất nhiều trong đời sống, đặc biệt là trong marketing.
Quy luật 100
Các nhà tâm lý học phát hiện ra một quy luật, gọi là Quy luật 100, rằng:
Để tạo cảm giác “hoành tráng”, nếu số nhỏ thì hãy nói về phần trăm, nếu số lớn thì nói con số thật.
Ví dụ:
Cái kem 20.000 đồng, nói khuyến mãi 25% sẽ ấn tượng hơn là khuyến mãi 5.000 đồng.
Hay chiếc xe máy 50 triệu đồng, nói giảm giá 5 triệu đồng sẽ “hoành tráng” hơn giảm 10%, dù cả 2 đều như nhau.
Các doanh nghiệp sử dụng hiệu ứng tâm lý này trong việc niêm yết giá hàng hóa, khuyến mãi rất nhiều. Ví điện tử MoMo là một trong những công ty đang sử dụng nhiệt tình nhất chiêu thức này và không mang đến nhiều lợi ích "khuyến mãi" thực sự cho người dùng.
Con số và thực tế
Khuyến mãi đang là chiêu thức gần như là duy nhất của Momo để lôi kéo người sử dụng. Đa phần người khi nói về lý do để dùng MoMo đều là “được hoàn tiền”, “nhiều khuyến mãi”.
Các chương trình khuyến mãi của MoMo ra đời liên tiếp, hầu như lúc nào cũng đang có khuyến mãi. Nói MoMo đang đốt tiền đổi lấy người dùng cũng không sai. Chỉ có điều, các mức khuyến mãi cho từng người dùng của Momo không được nhiều lắm như đang thể hiện.
Phải nói MoMo có một đội ngũ marketing rất giỏi. Họ làm ra những chương trình quảng cáo, marketing rất sáng tạo và hiệu quả. Chiến dịch quảng cáo Lắc Xì của MoMo dịp tết 2 năm liền đều xếp top đầu bảng Việt Nam về các chỉ số marketing thành công.
Vì thế, đội marketing của MoMo thừa biết các chiêu trò để biến các mức khuyến mãi “nho nhỏ” của MoMo thành những thông điệp giảm giá “to đùng”. Và Quy luật 100 đang được MoMo tận dụng triệt để.
MoMo nói: “Giảm ngay 50% cho thanh toán lần đầu trên App Store”, số 50% to đùng, nổi bật nhất ảnh quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế là: Tặng voucher trị giá có 10.000 - 20.000 đồng.
Ngoài App Store còn có cả Google Play, 50% rất to, nhưng thực ra cũng chỉ là 10.000 - 20.000 đồng.
MoMo nói: Siêu Hoàn Tiền "Khủng" lên đến 40% khi mua sắm, thanh toán tại các chuỗi thương hiệu đình đám như là Hoàng Yến, Dim Tu Tac, Trung Nguyên… Số 40% đỏ rực là tâm điểm của ảnh quảng cáo.
Thực tế là: MoMo gài vào trong điều khoản một “mức hoàn tiền tối đa 50.000 đồng”. Bản chất là chỉ khuyến mãi tối đa 50.000 đồng. Một bữa ăn cho hai người ở Hoàng Yến hay Dim Tu Tac trung bình mất khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Thành ra, thực tế mức “tối đa 50.000 đồng” kia của MoMo chỉ là 5%-10%, còn thua xa con số 40% quảng cáo rầm rộ.
Đi đêm lắm…
Nếu xét về lý, từng câu từng chữ thì Momo không sai. Nhưng những cái lắt léo về ngôn từ nhằm làm cho khuyến mãi thêm “hoành tráng” của đội marketing MoMo lại dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười cho khách hàng.
Cuối năm ngoái, MoMo tung ra một chương trình khuyến mãi lớn và truyền thông rầm rộ: "Hoàn tiền 50% khi mua sắm bằng ví MoMo, duy nhất ngày 1/11".
MoMo quảng cáo mạnh chương trình khuyến mãi này trên các phương tiện truyền thông, nhấn rất sâu vào thông điệp "Hoàn tiền 50%". Doanh nghiệp này đặt tên chương trình là "Ngày hội MoMo - Siêu hoàn tiền 50%".
Ở trên website, dòng chữ "Hoàn tiền 50%" cũng có màu hồng đậm nổi bần bật lên giữa tấm ảnh quảng cáo chương trình. Ở trên điện thoại di động, MoMo đẩy thông báo: "Nhanh chân đi Co.opmart... nhận hoàn tiền 50% hiếm có qua MoMo."
Sức hấp dẫn của con số 50% đã thu hút được cả nghìn người lao vào siêu thị để mua sắm. Tuy nhiên khi chìa MoMo ra để tính tiền, câu chuyện hóa ra không phải như vậy, người dùng đã không để ý dòng chữ "Hoàn tiền 50% từ 30.000đ - 100.000đ" được giấu rất khéo trong bản tin khuyến mãi của Momo. Tức là mỗi người chỉ được khuyến mãi tối đa có... 50.000 đồng.
Nhiều khách đã bỏ hàng lại, không mua, chấp nhận mất thời gian và công sức cả buổi chọn hàng trong siêu thị. Nhân viên siêu thị mất thêm công đi xếp lại chỗ hàng khách không mua về chỗ cũ. Việc này đã gây ra nhiều lùm xùm cáo buộc “MoMo lừa đảo” một thời gian sau đó.
Tuy đội marketing của MoMo rất giỏi biến hóa câu từ và sử dụng các hiệu ứng tâm lý để dụ hoặc người dùng, nhưng có lẽ cả trong đời sống lẫn kinh doanh, “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Người dùng từ giờ chắc phải đọc kỹ hơn nhiều lần các thông điệp quảng cáo của MoMo trước khi tin ngay vào con số to đùng họ tung ra.
Ngoài việc có thể khiến khách hàng mất niềm tin vào các chương trình chạy theo ví điện tử, là doanh nghiệp có tăng trưởng lớn về việc mở ví, thực tế MoMo hiện cũng đang bị không ít người dùng phàn nàn về các mức tính phí cao, ít cạnh tranh, đặc biệt trong các dịch vụ như chuyển tiền. Không khó để có thể tìm thấy các phàn nàn về dịch vụ của MoMo. Tại một diễn đàn thu hút cộng đồng khoa học và công nghệ, những chia sẻ về dịch vụ của ông lớn lâu đời ngành ví điện tử này, từ phí chuyển tiền ít cạnh tranh đến "lừa đảo" khuyến mãi, giải quyết qua loa hời hợt cho có các phản ánh của khách hàng, kém tính bảo mật...khiến không ít độc giả, thành viên cân nhắc về việc mở ví MoMo.
Một chuyên gia cho biết trên thị trường hiện tại, sự phát triển ồ ạt của các ví điện tử, mạnh ai nấy chạy đang đặt ra bài toán tích hợp dịch vụ và kết nối đối với các nhà quản lý ngành lẫn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Sự mở cửa của thị trường dịch vụ công chào đón các phương tiện thanh toán mới, một mặt, mang đến lợi cho tiện lợi cho người dân, nhưng mặt khác, cũng đòi hỏi những minh bạch trong đấu thầu, cung cấp dịch vụ và đặc biệt bảo mật dữ liệu người dùng. Đây cũng là câu hỏi về trách nhiệm đặt ra với MoMo và các ví điện tử nói chung.
Có thể bạn quan tâm