Thanh toán không tiền mặt: Chỉ thuận tiện chưa đủ!
Theo TS. Lê Thành Trung, Phó TGĐ HDBank, chìa khóa thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là cần chú trọng "trong tiện có lợi" - tức người dùng phải nhận lợi ích vật chất để gia tăng sử dụng.
TS. Lê Thành Trung cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã, đang và sẽ không chỉ là xu thế, mà là tất yếu. Như thông tin NHNN cho biết, hiện nay mọi thứ đã được chuẩn bị gần như sẵn sàng từ cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, truyền thông cho xã hội thanh toán không tiền mặt; nhưng trên thực tế tỷ lệ thanh toán online vẫn chưa đạt như mong muốn.
Vướng mắc ở 3 chủ thể
Ở góc độ của một ngân hàng đang xác định chuyển đổi số là chiến lược xuyên suốt như HDBank, theo ông Trung, ngân hàng nhận thấy tỷ lệ thanh toán online còn hạn chế xuất phát từ các vướng mắc nằm ở 3 chủ thể: Người tiêu dùng - chủ thể thứ nhất quan trọng nhất; Nhà cung ứng dịch vụ; Các trung gian thanh toán, ngân hàng định chế, Fintech...
"Hiện nay 2 chủ thể sau cùng đã có mức chuẩn bị chu đáo, các giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ số được áp dụng với tốc độ rất nhanh. Song chủ thể đầu tiên quyết định các giao dịch là người tiêu dùng thì đâu đó còn e ngại, chưa thực sự sử dụng giao dịch online nhiều. Vì vậy, để giải quyết vướng mắc này thì phải làm sao cho người tiêu dùng cảm thấy thuận tiện, có lợi, an toàn", ông Trung nói.
Đại diện HDBank đưa ra giải pháp và lý giải cụ thể rằng: Để giải quyết được 3 vấn đề từ phía chủ thể người tiêu dùng, HDBank đã đưa ra giải pháp kỹ thuật hiện đại nhất trong cung ứng cho người sử dụng dịch vụ thanh toán online như không chạm, Mobile banking, app Di HDBank... Riêng vấn đề mang lại lợi ích cụ thể, vật chất cho người dùng thì phụ thuộc vào sự kết hợp của chủ thể thứ 2 - nhà cung ứng dịch vụ và chủ thể 3 - các đối tượng ngân hàng, trung gian thanh toán, qua đó xây dựng các chương trình ưu đãi thực sự. Chẳng hạn HDBank đã thông qua hệ sinh thái Vietjet, Saigon Coop, Petrolimex, PVOil... để phát triển các chương trình thanh toán online, không dùng tiền mặt với các chính sách giảm giá, khuyến mãi có lợi ích cho người dùng trong hệ sinh thái.
"Điều quan trọng là phải làm sao để khách hàng của ngân hàng được thuyết phục phải có trải nghiệm lần đầu. Khi đã có lần đầu, thấy hay thì khách hàng sẽ không muốn phải dùng phương thức thanh toán cũ. Càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt lần đầu, thì tỷ lệ tiến tới xã hội không tiền mặt càng khả thi".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch ví Điện tử MoMo cũng cho rằng lợi ích - hay gọi cách khác "tạo ra giá trị" là yêu cầu mà hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt cần mang đến cho người dùng. Kể lại câu chuyện chục năm trước, MoMo vô cùng vất vả khi đi kết nối với các ngân hàng lớn, phải năn nỉ với những nhà cung ứng dịch vụ, thì sau khi thu hút được trải nghiệm người dùng và tỷ lệ người dùng tăng lên, sự đối thoại hợp tác cũng đã thay đổi.
"Khi có hệ sinh thái thì phải làm sao tạo giá trị cho người dùng. Tôi rất hy vọng biết đâu thời gian tới nếu khách hàng mua vé Vietjet trên MoMo thì được HDBank cho vay chẳng hạn. Tiện lợi hơn, có lợi thì khách hàng sẽ mua hàng", ông Diệp chia sẻ.
Hạ tầng có sẵn, cần tạo thói quen
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Hoạt động không dùng tiền mặt thời gian qua đã có chuyển biến lớn, thông qua những con số về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng và giá trị giao dịch thanh toán. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, hiện đại được cung ứng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động đã thực sự đi vào cuộc sống.
"Chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày hình ảnh khách hàng sử dụng các dịch vụ chuyển tiền online 24/7, thanh toán hóa đơn, mua sắm và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng di động, thanh toán bằng phương thức quét mã QR Code,... điều mà 5 năm trước đây dường như vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt Nam", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nói.
Theo Vụ Thanh toán - NHNN, những kết quả nổi bật trong hoạt động thanh toán thể hiện ở các mặt sau: (i) Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại; (ii) Hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện; (iii) Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công; (iv) Hầu hết các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán; (v) Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt ở vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Thống kê trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. NHNN cũng ước tính tổng phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng theo chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ). Đây cũng là một trong nỗ lực để người dân cảm nhận và trải nghiệm được "trong tiện có lợi" một cách thiết thực.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) từ phía NHNN:(i) Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC),.. (ii) Triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (iii) Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân. (iv) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ Chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ. (v) Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đảm bảo hoạt động đúng quy định. (vi) Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán. |