Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P

HÀ ANH 01/07/2020 06:00

Hiện đang xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hoạt động của Zalo Bank. Vậy Zalo Bank hoạt động như thế nào, có trái quy định của pháp luật?

Có người cho rằng hoạt động của Zalo Bank là lách các quy định của NHNN; người lại bảo mô hình này cũng tương tự như các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) mà hiện nay vẫn đang thiếu hành lang pháp lý để quản lý.

Thông qua Zalo Bank, người dùng có thể được vay tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm với thủ tục khá đơn giản.

Thông qua Zalo Bank, người dùng có thể được vay tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm với thủ tục khá đơn giản.

Zalo Bank hoạt động ra sao?

Thời gian gần đây, người sử dụng Zalo nhận được hàng loạt tin nhắn mới chào vay tiền thông qua ứng dụng Zalo Bank. Theo giới thiệu trên trang chủ của ứng dụng này thì Zalo Bank là trung gian kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Khi đăng ký qua Zalo Bank, hồ sơ điện tử của khách hàng sẽ được chuyển trực tiếp đến các đối tác tài chính của Zalo Bank để vay dưới dạng tín chấp.

Theo đó, thông qua Zalo Bank, người dùng có thể được vay tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm với thủ tục khá đơn giản, chỉ cần chứng minh nguồn thu nhập ổn định hàng tháng là vay được tiền, mà không cần tài sản thế chấp hay sự xác nhận của chính quyền địa phương.

Lãi suất vay tiền cũng chỉ từ 1,5%/tháng, tương đương khoảng 18%/năm, giải ngân trong vòng 24 giờ... Phương thức trả góp linh hoạt, số tiền trả nợ chia định kỳ bao gồm nợ gốc và lãi suất theo quy định từ các ngân hàng đối tác của Zalo Bank.

Hiện có 4 tổ chức tín dụng đang hợp tác với Zalo Bank trên ứng dụng này gồm Ngân hàng Shinhan Việt Nam, Shinhan Finance, Easy Credit và FE Credit.

Trong đó, Ngân hàng Shinhan – một ngân hàng 100% vốn nước ngoài– đã triển khai dịch vụ vay tiêu dùng thông minh trên kênh Zalo Bank của ứng dụng Zalo từ tháng 5/2019. Trang Zalo Bank được tích hợp sẵn các dịch vụ tài chính, bao gồm mục khoản vay (Small loan). Khi có nhu cầu vay, người dùng chọn chức năng Zalo Bank và làm theo hướng dẫn. Sau đó, hệ thống sẽ lập tức tự động đánh giá người dùng có đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký vay hay không, dựa trên thông tin do chính người dùng cung cấp.

Hiện có 4 tổ chức tín dụng đang hợp tác với Zalo Bank trên ứng dụng này gồm Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Hiện có 4 tổ chức tín dụng đang hợp tác với Zalo Bank, trong đó có Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Nếu đủ điều kiện, khách hàng sẽ được kết nối trực tiếp với nhân viên tư vấn của Ngân hàng Shinhan để được hướng dẫn cụ thể về quy trình nộp hồ sơ. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ từ phía khách hàng, ngân hàng sẽ hoàn tất xử lý hồ sơ trong 3 ngày làm việc và khoản vay sẽ được giải ngân cho khách hàng theo quy định.

Khoảng trống pháp lý

Hiện có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hoạt động của Zalo Bank. Có ý kiến cho rằng việc Zalo cung cấp các gói cho vay tiêu dùng trên Zalo Bank dưới dạng hợp tác kinh doanh với các tổ chức tín dụng là cách “lách” các quy định của NHNN và pháp luật. Trong khi đại diện NHNN cho biết, cơ quan này không cấp phép cho Zalo Bank, nghĩa là ứng dụng này không được cấp phép hoạt động cho vay, huy động vốn, cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng trực tuyến.

Thế nhưng, luồng ý kiến khác lại cho rằng, mô hình hoạt động của Zalo Bank khá giống với P2P. Theo đó, Zalo Bank không huy động vốn và cũng không trực tiếp cho vay, mà chỉ làm nhiệm vụ trung gian kết nối người có nhu cầu vay với các nhà cho vay. Thậm chí xét ở góc độ nào đó thì hoạt động của Zalo Bank còn an toàn hơn so với các nền tảng P2P khi mà ứng dụng này kết nối trực tiếp người vay với các tổ chức tín dụng.

Trong khi hiện các nền tảng P2P vẫn đang hoạt động mà chưa bị bất kỳ một cơ quan chức năng nào “tuýt còi” thì hà cớ gì lại cấm Zalo Bank?. Hơn nữa, pháp luật cũng không cấm các ngân hàng triển khai cho vay thông qua các ứng dụng online hay liên kết với các doanh nghiệp công nghệ để cho vay. Việc NHNN khẳng định không hề cấp phép cho Zalo Bank cũng là điều dễ hiểu khi mà đến nay cơ quan này cũng chưa cấp phép cho bất kỳ một nền tảng P2P nào.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, những tranh cãi xung quanh vấn đề P2P và Zalo Bank nói riêng chung quy cũng bởi hiện vẫn thiếu một hành lang pháp lý để quản lý mô hình này, rộng hơn là lĩnh vực Fintech. Bản thân NHNN cũng thừa nhận, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của công ty Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quản lý, giám sát.

Được biết, NHNN vẫn đang trong quá trình xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động P2P. Còn trước khi có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, lời khuyên của giới chuyên gia là khách hàng cần đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi cung cấp dữ liệu cá nhân hay quyết định vay vốn để tránh những mâu thuẫn phát sinh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    06:00, 23/06/2020

  • Cơ chế thử nghiệm Sandbox

    Cơ chế thử nghiệm Sandbox

    05:43, 18/06/2020

  • Trăn trở cơ chế thử nghiệm Fintech

    Trăn trở cơ chế thử nghiệm Fintech

    06:00, 10/06/2020

  • Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ

    Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp P2P

    11:30, 04/06/2020

HÀ ANH