Gold Time Group tạo "bánh vẽ" thu hút nhà đầu tư
Với chiêu bài dụ dỗ người dân mua “phân quyền kinh doanh” thương hiệu café Gold Time Group với giá 3 triệu đồng được tặng cổ phần, Gold Time đã khiến hàng trăm ngàn người đã bị lừa.
Trước đó, Gold Time Group liên tục quảng cáo về mô hình phân quyền kinh doanh của mình như: “Phân quyền - bạn vừa là chủ, vừa là khách hàng của chính mình- là giải pháp tối ưu hóa trong kinh doanh chuỗi, Gold Time thực hiện sứ mệnh trao quyền cho cộng đồng tạo ra dòng tiền khép kín”.
Giải pháp được quảng cáo là thông qua nền tảng công nghệ 4.0 Affiliate Maketting từ chuỗi café phân quyền Gold Time Coffee kết nối toàn cầu dựa trên sức mạnh cộng đồng.
Gold Time Group cho biết đến ngày 31/12/2019 đã có hơn 300 doanh nghiệp liên kết Gold Time Coffee phủ khắp các tỉnh, thành cả nước. Chuỗi Gold Time Coffee được vận hành theo cơ cấu 5 sao (5 thành viên phụ trách cho 5 mảng kinh doanh tiếp thị của một doanh nghiệp nhỏ), tạo ra chuỗi café doanh nghiệp trong lòng doanh nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế, Gold Time Group hoàn toàn không có hoạt động sản xuất kinh doanh và thua lỗ. Năm 2018, Gold Time Group hầu như không có doanh thu. Đến năm 2019, doanh thu công ty này đạt khoảng 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí của công ty lên tới gần 190 tỷ đồng nên công ty lỗ hơn 7 tỷ đồng.
Về phần thuế, công ty chỉ đóng thuế giá trị gia tăng, với lần gần nhất khoảng 5 tỷ đồng cho quý 4/2019, và thuế thu nhập cá nhân mỗi tháng khoảng 1,5 tỷ đồng.
Để trở thành thành viên của Gold Time Group, nếu nhà đầu tư có sẵn quán cà phê, sẽ hợp tác với Gold Time theo hình thức liên kết phân quyền. Với hình thức này, chủ quán chỉ cần kêu gọi 5 người khác mua phân quyền của Gold Time. Đổi lại, chủ quán sẽ được hỗ trợ bảng hiệu, và mạng lưới khách hàng là thành viên của công ty.
Tuy nhiên, theo Gold Time, dù không có quán cà phê, nhà đầu tư vẫn có thể tham gia làm thành viên Gold Time chỉ bằng cách đăng ký tài khoản trên ứng dụng nội bộ của công ty. Sau đó, chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản Gold Time để mua điểm với giá trị 1.000 đồng tương đương 1 điểm.
Đặc biệt, khi giới thiệu người tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 10% (F1), 0,5% (F2) cho đến cấp F11; giới thiệu được càng nhiều người đầu tư vào Gold Time thì số tiền % được hưởng sẽ càng lớn.
Theo tiết lộ của các nhà đầu tư, khi đóng tiền đầu tư, họ không có phiếu thu hay hợp đồng gì ràng buộc, tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch HĐQT Cty Gold Time, sau đó được cấp một giấy chứng nhận cổ phiếu bằng điện tử.
Gold Time hứa hẹn sẽ sử dụng số tiền đầu tư vào kinh doanh chuỗi cà phê Gold Time Coffee, kinh doanh bất động sản, vườn sinh thái, sáng lập chuỗi siêu thị mang tên Golden Time…
Tuy nhiên, thời gian qua Gold Time không phát triển kinh doanh mà chỉ tập trung lôi kéo, thu hút thêm người tham gia mạng lưới của mình bằng cách mua phân quyền.
Đáng chú ý, công ty này còn thông tin rằng sắp tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây ông Nguyễn Khắc Đồi lại tuyên bố hủy liên kết với tất cả các quán cà phê trên cả nước.
Đến nay tập đoàn này chỉ có 4 cổ đông tham gia góp vốn, cụ thể ông Bàn Văn Dũng và Trương Hoàng Ngọc Diệp mỗi người góp 4 tỷ đồng; ông Lâm Thanh Phong, Phó Tổng giám đốc Gold Time góp 2 tỷ đồng và ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch HĐQT Gold Time góp 10 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn góp cho đến nay chỉ là 20 tỷ đồng, ngoài ra Công ty không ghi nhận các nguồn vốn và tài sản khác. Đến nay, công ty đã 4 lần đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh với tổng số 56 ngành nghề. Trong đó ngành nghề chính là dịch vụ phục vụ đồ uống (quán cà phê) và các ngành nghề khác. Đặc biệt, Gold Time hoàn toàn không có thông tin tài chính cơ bản như doanh thu bán hàng, lợi nhuận…
Nhìn chung, các doanh nghiệp đa cấp lừa đảo đều hoạt động theo cách thức “bánh vẽ” cho các nhà đầu tư với những số liệu, dự án giấy, mọi lời hứa hẹn đều không có bất cứ bằng chứng xác thực nào. Và quan trọng hơn, các mô hình dự án lừa đảo đều không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khi giới thiệu thành viên mới, nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng, tăng cấp trong hệ thống. Đây là mô hình vận hành Ponzi chung của mọi phiên bản hoặc các hình thức lừa đảo khác nhau, đều có đặc điểm này.
Đáng chú ý, đến ngày 19/8 vừa qua, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định tạm giữ khẩn cấp một số lãnh đạo của Gold Time Group để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thu lợi bất chính.
Ngay sau khi có quyết định tạm giữ, mọi hệ thống thông tin của Gold Time đều đã bị đóng, xóa. Ví dụ, hệ thống website và sàn giao dịch cổ phiếu nội bộ của công ty này đã khóa. Các nhóm trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên do Tập đoàn Gold Time lập ra cũng bị xóa.
Có thể bạn quan tâm