Định hướng và giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tôi xin điểm qua một số kết quả nổi bật về phát triển thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giai đoạn 4 năm qua, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện hành lang pháp lý
NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế và xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, mô hình hợp tác-kinh doanh sáng tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT). Liên quan đến hoạt động thanh toán, NHNN trình Chính phủ ban hành ba (03) Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, về phòng, chống rửa tiền, về xử phạt vi phạm hành chính; NHNN đã ban hành nhiều Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, hoạt động trung gian thanh toán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phí dịch vụ thanh toán v.v...
NHNN đã ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa nhằm tránh nguy cơ thị trường thẻ Việt Nam trở thành vùng trũng về an ninh, an toàn thanh toán thẻ, cũng như định ra lộ trình phù hợp chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; đã ban hành TCCS “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ chủ động áp dụng TCCS QR Code khi triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT nhằm tạo nền tảng thanh toán liên thông, và tiết kiệm chi phí.
NHNN hiện đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế các Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, hướng đến giải quyết một số vấn đề sau: (i) Quy định rõ bản chất của các phương tiện thanh toán (trong đó có tiền điện tử); (ii) quy định quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới; (iii) bổ sung làm rõ hơn các điều kiện cung ứng dịch vụ TGTT, các hành vi vi phạm; (iv) quy định mới về hoạt động đại lý thanh toán.
Thứ hai, về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử, tiếp tục được NHNN và các TCTD chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, đòi hỏi ngày càng cao của người dùng và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tôi xin cung cấp một vài con số thống kê sau cho thấy sự phát triển tích cực của một số hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, được tích hợp thêm nhiều cấu phần dịch vụ mới như chuyển ngoại tệ, quyết toán theo lô. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có hơn 19.570 ATM và 266.310 POS (tăng tương ứng 4,4% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019);
Một bước phát triển đáng chú ý gần đây là sự ra đời nền tảng thanh toán mới - Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24x7, xử lý giao dịch đa kênh, chính thức vận hành từ tháng 6/2020, qua đó cung cấp một lựa chọn về kênh chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đáng tin cậy, hiệu quả chi phí cho các ngân hàng, tổ chức TGTT. Hệ thống này sẽ ngày càng mở rộng phạm vi dịch vụ, đối tượng tham gia, thêm dịch vụ mới, gia tăng tiện ích cho các thành viên và kỳ vọng sẽ phục vụ đắc lực các hoạt động kinh tế-thương mại sôi động gắn với sự nổi lên của nền kinh tế số Việt Nam.
Thứ ba, về phát triển dịch vụ thanh toán
Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - viễn thông, sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh kết nối Internet, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như chuyển tiền trực tuyến 24x7 qua Mobile banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng Mobile banking/Ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng/ trên Website bán hàng qua mã QR... đã liên tục xuất hiện, ngày càng phổ cập trong cuộc sống, tạo bước phát triển mới trong TTKDTM, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên; đến cuối tháng 6 năm 2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ TTKDTM.
Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019).
Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6 năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 106 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5 % so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019). Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.
Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các TCTD, tổ chức TGTT quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy TTKDTM với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Thứ tư, về thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính công
Hệ thống TTĐTLNH đã được kết nối với toàn bộ 63 KBNN cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời; khoảng 50 NHTM đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán, thu qua qua ngân hàng, TGTT lên tới gần 90%.
Ngày 09/12/2019, Chính phủ đã khai trương, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, qua đó cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng tài khoản mở tại các ngân hàng, tổ chức TGTT để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển TTKDTM, cụ thể là:
Cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.
Sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.
Thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử; Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành, như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam...còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.
Với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá; đồng thời đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM.
Hai là, thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông.
Ba là, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.
Bốn là, khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC), cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.
Năm là, phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.
Sáu là, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.
Bảy là, NHNN cùng các NHTM, tổ chức TGTT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTKDTM, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về những rủi ro trong thời đại số và hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý; Chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
TRỰC TUYẾN: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp
14:40, 26/08/2020
TRỰC TIẾP: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp
14:09, 26/08/2020
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
11:30, 26/08/2020
Giải pháp nào đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt?
06:00, 26/08/2020