Đông Nam Á phát triển thanh toán di động nhanh nhất thế giới
Nhiều ví điện tử độc lập (không phụ thuộc vào hệ sinh thái siêu ứng dụng) đã cho thấy sức hút trong những năm qua.
Công ty thanh toán qua di động Boku vừa công bố một báo cáo chi tiết về thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á, khẳng định đây là khu vực có dịch vụ thanh toán di động phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo dự tính, tốc độ tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số ở Đông Nam Á sẽ tăng 311% từ năm 2020 đến 2025, với khoảng 439.7 triệu ví điện tử được kích hoạt. Không chỉ vậy, các đơn vị bán lẻ trực tuyến cùng những dịch vụ phổ biến như Grab và Gojek cũng góp phần thúc đẩy quá trình này.
Theo Loke Hwee Wong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của APAC, Đông Nam Á có mức độ phát triển kỹ thuật số rất cao, với hơn 70% dân số có các hoạt động trên internet. Trong những đợt phong tỏa vì dịch, người dân dần quen thuộc với thương mại điện tử, vì thế nhu cầu về ví điện tử cũng tăng vọt.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh thêm, vì trước đây Đông Nam Á vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng. Nên một khi sử dụng ví điện tử và trải nghiệm sự tiện lợi, dễ dàng của dịch vụ này, họ ngay lập tức thích thú và khiến nhu cầu tăng cao.
Ngoài những con số trên đây, báo cáo của Boku cũng chỉ ra 4 điểm quan trọng như sau:
Ví điện tử Trung Quốc sẽ không có sức ảnh hưởng vượt ngoài thị trường nội địa
Rất nhiều dịch vụ ví điện tử của Trung Quốc đang lan rộng trên toàn thế giới. Chẳng hạn WeChat Pay của Tencent đã được cấp phép hoạt động tại Indonesia vào tháng 1 năm ngoái. Hoặc Alipay của Alibaba cũng đã có mặt tại Singapore, Việt Nam, Hong Kong, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ.
Mặc dù vậy, báo cáo cho rằng mức ảnh hưởng của các loại ví điện tử này cũng chỉ có giới hạn. Vì hiện nay phần lớn người Trung không thể du lịch quốc tế và tiêu tiền ở nước ngoài. Do đó, các ông lớn mảng tài chính công nghệ Trung Quốc không có nhiều cơ hội để vươn vòi và bám rễ sâu hơn tại thị trường châu Á.
Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy thanh toán điện tử
Trong 5 năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường dẫn dắt phát triển thương mại điện tử ở Đông Á và Đông Nam Á do quy mô cực lớn. Tuy nhiên, Indonesia và Philippines cũng có những bước phát triển ấn tượng trong mảng này. Nhờ đó, thị trường Đông Nam Á sẽ có nhiều kênh thanh toán điện tử hơn.
Mã QR có mức ảnh hưởng nhất định
Vì một số quốc gia như Singapore, Indonesia, Vietnam và Thái Lan đều đã khởi động cơ chế thanh toán mã QR quốc gia từ nhiều năm qua, vậy nên phương thức này dự kiến cũng sẽ thống trị mảng thanh toán điện tử tại Đông Nam Á.
Vào giữa tháng 6, Thái Lan và Malaysia công bố chương trình liên kết thanh toán qua mã QR cho người tiêu dùng của 2 quốc gia thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thái Lan ký hợp tác thanh toán QR tương tự với Singapore và Việt Nam vào tháng 4.
Tại Đông Nam Á hiện nay có hơn 290 triệu người không có tài khoản ngân hàng, vậy nên báo cáo nhấn mạnh rằng nếu dựa vào thanh toán qua thẻ thì chi phí xây dựng sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, thiết lập và chạy các kênh thanh toán bằng mã QR sẽ rẻ và đơn giản hơn.
Siêu ứng dụng vẫn có chỗ, nhiều dịch vụ khác thu hút không kém
Nhiều ví điện tử độc lập (không phụ thuộc vào hệ sinh thái siêu ứng dụng) đã cho thấy sức hút trong những năm qua. Như vậy có thể nói rằng để người dùng quen thuộc và sử dụng, thì ngoài cách xây dựng siêu ứng dụng, các bên cung cấp dịch vụ cần quan tâm đến trải nghiệm người dùng.
Có thể bạn quan tâm