Tương lai Fintech đang hình thành như thế nào tại Đông Nam Á?
Với vị trí địa lý quan trọng trong khu vực Châu Á, hệ sinh thái kỹ thuật số năng động và các chính sách thuận lợi, Đông Nam Á sẽ trở thành một trung tâm tiềm năng cho tương lai ngành tài chính số.
Khi các ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực truyền thống phải vật lộn để tồn tại trong đại dịch COVID-19, thì Fintech đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, thị trường tiền điện tử cũng tạo lên cơn sốt chưa từng có. Vào tháng 4/2021, Bitcoin (BTC) đã đạt mức cao kỷ lục, chạm ngưỡng 65.000 USD/BTC, gần gấp 10 lần so với giá trị của nó so với một năm trước đó. Mặc dù trải qua một đợt sụp đổ vào tháng 5, nhưng trong những ngày gần đây, BTC lại đang trên đà leo dốc khi vượt ngưỡng 40.000 USD, ít nhất nó đã mang đến tín hiệu mừng cho những người cuồng tiền điện tử, trong ngắn hạn.
Cấp phép nhiều ngân hàng số, nền tảng giao dịch tiền điện tử
Ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia Tài chính số nhận xét, theo thời gian, các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ cũng bắt đầu công nhận tài sản kỹ thuật số như một giải pháp thay thế, một nơi trú ẩn an toàn trong nền kinh tế đầy khủng hoảng. Từ các số liệu cho thấy, khu vực Đông Nam Á hiện đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động tài sản kỹ thuật số, với khối lượng giao dịch trên sàn giao dịch DBS của Singapore tăng gần 10 lần, so với quý đầu tiên của năm nay. Đây cũng là nơi ghi nhận một trong những nhóm người tham gia vào thị trường tiền điện tử lớn nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động của Đông Nam Á tăng hơn 100%, khiến nó trở thành điểm nóng tự nhiên cho việc chấp nhận tài sản kỹ thuật số đang lan rộng.
Ngoài ra, hệ sinh thái công nghệ trị giá 108 tỷ USD trong khu vực, được thúc đẩy bởi các Start-up kỳ lân như Grab Holdings, Sea Limited, cũng như sự hợp nhất của Gojek và Tokopedia, đã tạo dựng được chỗ đứng như một vườn ươm của sự đổi mới Fintech.
Đồng thời, các khoản tài trợ, chính sách và quy định ở mỗi quốc gia cũng góp phần giúp thu hút các doanh nghiệp Fintech mở rộng hoạt động đầu tư. Cụ thể, khoản tài trợ 300 triệu đô la Singapore (222 triệu USD) của nước này cho các dự án công nghệ cao và 12 triệu đô la Singapore để thúc đẩy đổi mới blockchain, đã thiết lập bệ phóng cho các dự án tiên phong và phát triển hệ sinh thái Fintech mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Giấy phép Fintech từ Trung tâm Tài chính và Kinh doanh Quốc tế Labuan Malaysia (IBFC), là một minh chứng cho sự mở cửa để các công ty khởi nghiệp đặt chân vào Đông Nam Á. Trong năm ngoái, Labuan IBFC đã chứng kiến một số lượng kỷ lục giấy phép Fintech được phê duyệt, trong đó có 3 ngân hàng kỹ thuật số và 19 nhà cung cấp nền tảng giao dịch tiền điện tử cho khu vực. Indonesia cũng đã ban hành quy định về việc giao dịch 299 tài sản tiền điện tử vào đầu năm nay...
Bùng nổ các khoản đầu tư Fintech
Các khoản đầu tư vào Fintech ở Đông Nam Á cũng bùng nổ, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2019. Tại Singapore, các công ty khởi nghiệp Fintech đã ghi nhận mức tài trợ tăng 355% trong quý đầu tiên của năm 2021, phần lớn là các khoản đầu tư vào những công ty khởi nghiệp Fintech ở Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của ông Mohammad Raafi Hossainn, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử Fasset khi chia sẻ trên tờ South China Morning Post, không có gì ngạc nhiên khi số lượng các doanh nghiệp Fintech đã phát triển nhanh chóng. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Singapore đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2015, trong khi các công ty khởi nghiệp Fintech của Việt Nam đã tăng 179% kể từ năm 2017. Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp Fintech đã huy động được gần 84% tổng vốn tài trợ vào năm ngoái.
“Với nguồn gốc Fintech đang phát triển ở Đông Nam Á, việc chấp nhận tài sản kỹ thuật số là một bước tiếp theo tự nhiên. Với nền kinh tế internet của khu vực đạt 100 tỷ USD, thanh toán kỹ thuật số sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Điều này cũng dẫn đến việc áp dụng tiền điện tử tăng tốc ở Đông Nam Á”, Mohammad dự báo.
Mặt khác, là nơi sinh sống của 8,5% dân số thế giới, Đông Nam Á có dân số trẻ ở độ tuổi trung bình là 30,2 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ millennials đặt niềm tin vào công nghệ, khu vực này dường như đang sẵn sàng gieo mầm cho tương lai của nền tài chính số.
Trong một buổi toạ đàm gần đây về Fintech, ông Đinh Viết Hùng, Chủ tịch quỹ đầu tư VIC Partners chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành công nghệ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi thị trường tài chính như vậy. Trước đây, con đường kiếm tiền của một công ty công nghệ là làm ra sản phẩm, bán cho người dùng và thu về lợi nhuận trên sản phẩm của mình. Nhưng với thị trường tài chính kỹ thuật số thì ngược lại. "Thị trường tài chính phi tập trung đẩy một lượng tiền khổng lồ vào công nghệ blockchain, khiến nó phát triển như vũ bão chỉ trong thời gian ngắn".
Hệ sinh thái số năng động của Việt Nam và Đông Nam Á
Nhìn lại 30 năm trước, Đông Nam Á nằm trong số những khu vực nghèo nhất thế giới, với hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo. Nhưng ngày nay, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng của các quốc gia trong khu vực dự kiến sẽ đạt 50 triệu người vào năm 2022, với tổng thu nhập khả dụng là 300 tỷ USD.
Thành công đó một phần là nhờ vào các “nền kinh tế hổ con” của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nhóm những quốc gia này được đặt tên như vậy, vì họ tuân theo kế hoạch chi tiết của các nền kinh tế được ví như những “con hổ châu Á”, trong cách tiếp cận công nghiệp hóa hàng loạt và tăng trưởng kinh tế, thông qua các chính sách công nghệ cao, định hướng xuất khẩu.
Điều này được thể hiện bằng sức mạnh kinh tế của Việt Nam thông qua đại dịch, khi các chính sách hướng ngoại và thúc đẩy siêu kỹ thuật số thu hút nhiều công ty kỹ thuật số hơn để thiết lập các hệ thống cửa hàng, kinh doanh, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, hấp thu các nền tảng công nghệ mới nhất. Nhờ đó, Việt Nam củng cố hơn nữa vị trí của mình, trở thành nền kinh tế hoạt động hàng đầu châu Á trong đại dịch năm 2020, vượt trội hơn cả Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng.
Cũng theo Mohammad, vì Đông Nam Á đã hỗ trợ một số công ty đột phá về công nghệ sáng tạo, đổi lại, các công ty này đã đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của khu vực, thúc đẩy và khuếch đại nền kinh tế kỹ thuật số lên tầm cao mới. Trong khi các nước phương Tây thường là trung tâm thực tế trong việc định hướng công nghệ toàn cầu, nhưng sự nổi bật ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực Fintech, có thể khiến khu vực này trở thành một đối thủ nặng ký, trong việc ảnh hưởng đến định hướng công nghệ toàn cầu. Với vị trí địa lý ở trung tâm của Châu Á - Thái Bình Dương, hệ sinh thái kỹ thuật số năng động và các chính sách thuận lợi, Đông Nam Á là một trung tâm tiềm năng cho tương lai của ngành tài chính.
Có thể bạn quan tâm
Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh chương trình Thạc sĩ truyền thông số và Fintech
08:43, 08/05/2021
Trung Quốc tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng fintech của Ngân hàng Trung ương
16:00, 24/04/2021
Chủ tịch DTS: 'Nhân sự là cốt lõi khi khởi nghiệp mô hình Fintech'
03:23, 30/06/2021