"Cơn mê" NFT - Tài sản số không thể thay thế lan rộng nhiều lĩnh vực

DIỄM NGỌC 11/08/2021 16:00

Trong một minh chứng về kinh tế học mới tác động đến thị trường nghệ thuật, tiền điện tử đã được chấp nhận. Trong đó, “cơn mê” NFT đã lan rộng ra ngoài những góc thông thường của thế giới nghệ thuật.

Hoạ sĩ Việt gia nhập thị trường NFT

Một trong những tiếng vang lớn nhất trong giới công nghệ những ngày này là về NFTs (viết tắt của Non-Fungible Token), thuật ngữ chỉ một tài sản số sử dụng công nghệ blockchain. Mới đây nhất, theo thống kê của sàn giao dịch tiền điện tử Binance, hoạ sĩ nhí Xèo Chu cùng hai hoạ sĩ khác là Phong Lương và Tú Na của Việt Nam, đang nằm trong Top 50 nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trên sàn NFT.

bức tranh NFT đầu tay của Xèo Chu mang tên “Hoa mai may mắn” đã có giá trị quy đổi 22.899 USD (527 triệu đồng) sau 24 giờ đấu giá trên sàn Binance

Bức tranh NFT đầu tay của Xèo Chu mang tên “Hoa mai may mắn” đã có giá trị quy đổi 22.899 USD (527 triệu đồng) sau 24 giờ đấu giá trên sàn Binance (Ảnh: Internet)

Theo đó, bức tranh NFT đầu tay của Xèo Chu mang tên “Hoa mai may mắn” đã có giá trị quy đổi 22.899 USD (527 triệu đồng) sau 24 giờ đấu giá. Tác phẩm này khi mới đưa lên sàn chỉ có giá khởi điểm là 5.000 USD.

Trước Xèo Chu, hoạ sĩ Phong Lương cũng đã thu về gần 7.000 USD với bức tranh trị giá cao nhất trên sàn NFT là 3.000 USD và hoạ sĩ Tú Na thu về hơn 31.000 USD, với với bức tranh trị giá cao nhất trên sàn NFT là hơn 5.000 USD.

Có thể thấy, sáng tác tác phẩm nghệ thuật NFT đang dần trở thành xu hướng toàn cầu mới của giới nghệ sĩ, với lợi thế là tính đa dạng. Mọi lĩnh vực từ âm nhạc, hội hoạ, cây cảnh, nhiếp ảnh,... đều có thể gắn một token NFT để định danh. Khả năng sử dụng NFT nằm ở việc sở hữu độc quyền khiến món hàng trở thành thứ duy nhất mà chỉ có người mua NFT mới có quyền sở hữu đối với vật phẩm gốc. Ngoài ra, giá trị của NFT là tính vĩnh cửu. NFT không thể phá hủy và có thể xác minh nguồn gốc do được xây dựng trên nền tảng blockchain.

Chia sẻ với truyền thông, bà Lynn Hoàng, đại diện sàn Binance NFT bày tỏ: "Nghệ thuật kỹ thuật số từ lâu bị xem nhẹ là do hầu hết đều miễn phí. Để giúp các nghệ sĩ tạo ra giá trị tài chính cho tác phẩm, NFT bổ sung thêm chữ ký số dưới dạng token không thể sao chép, không thể thay thế".

Như vậy, với cách thức mua bán tranh trên sàn NFT, bức tranh vẽ tay hoàn toàn thuộc về các hoạ sĩ để có thể tổ chức triển lãm hoặc tặng tranh. Về phía người mua sẽ mua quyền sở hữu bức tranh kỹ thuật số, việc mua thêm tác phẩm vật lý hay không còn tuỳ thuộc vào người bán. Tính độc nhất của bức tranh được được xác thực bằng công nghệ blockchain và có chữ ký số của người sở hữu. Hầu hết, nhiều nhà sưu tầm các tác phẩm NFT đều không cần đến tác phẩm vật lý ngoài đời thực.

Theo một chuyên gia tài chính số, đối với các nghệ sĩ, đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng về mức độ kiểm soát và bồi thường có thể đạt được, từ một tác phẩm sáng tạo.

Chính sự kết hợp giữa việc tạo ra các tác phẩm kỹ thuật số độc nhất vô nhị và các hợp đồng thông minh được nhúng, có thể thiết lập các điều khoản và lời hứa về tiền bản quyền liên tục, đã khiến mọi người trong tất cả các ngành công nghiệp tự hỏi: Liệu NFT có thể làm rung chuyển mọi thứ hay không và nó sẽ lấn sân vào những lĩnh vực nào?

Lan rộng trong mọi lĩnh vực

Trong một minh chứng về kinh tế học mới tác động đến thị trường nghệ thuật, tiền điện tử đã được chấp nhận. Trong đó, “cơn mê” NFT đã lan rộng ra ngoài những góc thông thường của thế giới nghệ thuật.

Messi đã hợp tác với với Bosslogic và Ethernity để tạo ra bộ sưu tập NFT hình ảnh của mình, mang tên Messiverse (Ảnh: Internet)

Siêu sao bóng đá Messi đã hợp tác với với Bosslogic và Ethernity để tạo ra bộ sưu tập NFT hình ảnh của mình, mang tên Messiverse (Ảnh: Internet)

Cái tên được nhắc đến gần đây nhất có lẽ là Messi, siêu sao bóng đá vừa mới rời Barcelona để gia nhập Paris Saint-Germain. Theo trang ESPN đưa tin, Messi đã hợp tác với với Bosslogic và Ethernity để tạo ra bộ sưu tập NFT hình ảnh của mình, mang tên Messiverse. Các sản phẩm NFT này sẽ được ra mắt và bán đấu giá trên nền tảng blockchain Ethernity vào ngày 20/8 tới. Dự kiến, việc bán các bước tranh NFT này có thể đem lại cho Messi một khoản tiền lớn.

Bộ sưu tập Messiverse, dự kiến bao gồm 4 tác phẩm: "Man from the Future", "Worth the Weight", "The King Piece" và một tác phẩm chưa được công bố tên. Chúng sẽ là những bức tranh số vẽ lại những khoảnh khắc thành công trong sự nghiệp bóng đá của siêu sao người Argentina này.

Trước Messi, những ngôi sao thể thao khác như Muhammad Ali hay Pele cũng đã sở hữu những tác phẩm NFT của riêng mình. Trả lời ESPN, cựu cầu thủ Barcelona nói rằng: "Nghệ thuật, cũng giống như bóng đá, là vĩnh cửu. Nghệ thuật đang ngày một phát triển và các công nghệ kỹ thuật số như NFT cũng thế, chúng là cách để giúp kết nối với người hâm mộ”.

Trong thế giới NFT cũng xuất hiện tên tuổi của những nhà tài phiệt nổi tiếng thế giới, các thương hiệu lâu năm trong nhiều lĩnh vực. Vào hối cuối tháng 3, Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey đã bán tweet đầu tiên của mình cho nền tảng này trị giá 2,9 triệu USD.

Hay vị doanh nhân tỷ phú, chủ sở hữu Dallas Mavericks, Mark Cuban đang xây dựng một phòng trưng bày mới cho nghệ thuật kỹ thuật số và đồ sưu tầm, một nền tảng cho phép người dùng chia sẻ bộ sưu tập của họ trên phương tiện truyền thông xã hội. Ngay cả ông trùm xe điện Tesla, Elon Musk cũng đã đưa ra lời đề nghị trị giá 1,12 triệu USD cho một bản nhạc kỹ thuật ngắn được bán dưới dạng NFT. Từ đó để thấy rằng, các nhà quản lý giàu có đang thêm NFT vào danh mục đầu tư của khách hàng, có giá trị ròng cao như một loại tài sản đang phát triển.

Ngoài ra, hãng nước giải khát khổng lồ Coca-Cola vừa phát hành một bộ sưu tập kỹ thuật số NFT để bán đấu giá và quyên góp số tiền bán được cho Thế vận hội đặc biệt quốc tế - sự kiện thể thao dành cho người khuyết tật trí tuệ. Bộ sưu tập NFT đầu tiên của Coca-Cola gồm máy bán hàng tự động cổ điển của Coca-Cola, áo khoác bong bóng (lấy cảm hứng từ đồng phục giao hàng cũ của công ty), đồng hồ đeo tay, thẻ mua hàng Coca-Cola những năm 1940 và tệp âm thanh mở nắp chai hoặc âm thanh rót nước ngọt trên đá,...

cũng giống như tiền ảo, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào và nguy cơ bong bóng tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Ảnh: Internet)

Cũng giống như tiền ảo, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào và nguy cơ bong bóng tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Ảnh: Internet)

Cảnh giác bong bóng tài sản

Trong cơn sốt nghệ thuật kỹ thuật số siêu nóng, có một điều chắc chắn rằng, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch ( SEC ), Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCEN), Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) và các cơ quan quản lý khác đều đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động trên thị trường NFT. Sự giao nhau giữa tiền điện tử và NFT có thể làm phát sinh trách nhiệm dân sự và hình sự tiềm ẩn, ngay cả đối với người mua hoặc nhà đầu tư sành sỏi trong phương tiện mới này.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia nghiên cứu Blockchain cho biết, không ai thể bảo đảm giá trị của các đoạn mã token sẽ tồn tại sau vài chục năm tới bởi công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày. Và một rủi ro khác là, cũng giống như tiền ảo, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào.

Thị trường NFT nổi sóng vì các tác phẩm đưa lên nền tảng này đôi khi đã bị thổi giá quá cao, lên hàng triệu USD, thậm chí vài chục triệu USD. Tuy nhiên, bỏ ra số tiền lớn để sở hữu một tác phẩm số liệu có mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng, hay chỉ là cơn sốt nhất thời. Chính vì vậy, nhà đầu tư nên lưu ý với nguy cơ bong bóng tài sản có thể được tạo ra từ NFT”, ông Hoàng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • CHUYỆN CUỐI TUẦN: Nguy cơ bong bóng tài sản từ nền tảng NFT

    05:04, 01/08/2021

  • Tỷ phú Mark Cuban rót vốn vào startup game Việt ứng dụng NFT

    04:29, 14/05/2021

  • NFT - “Sổ đỏ” cho tài sản số

    03:46, 29/04/2021

  • Sức nóng của thị trường “chứng thư điện tử” NFT

    03:08, 22/04/2021

DIỄM NGỌC