Nở rộ hoạt động rửa tiền trong kỷ nguyên số
Hiện nay, hình thức rửa tiền qua nền tảng trực tuyến ngày càng đa dạng và các thủ đoạn trở nên tinh vi, linh hoạt hơn của các nhóm tội phạm.
Sự nở rộ của “công nghiệp” rửa tiền
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện những phi vụ rửa tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ, hoạt động rửa tiền vẫn đang diễn ra, đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều hình thức giao dịch thanh toán mới, kéo theo đó là sự gia tăng về tội phạm công nghệ cao, núp bóng dưới nhiều hình thức, khiến cho việc quản lý gặp khó khăn.
Có thể thấy, rửa tiền là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản hợp pháp và có thể chia thành ba nhóm chính bao gồm: Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…); Những người tham nhũng; Những người muốn tránh thuế.
Từ đây, ngành “công nghiệp” rửa tiền đã xuất hiện để phục vụ những cá thể có tiền bẩn, nhằm rửa tiền chuyên nghiệp, ít dựa vào tiền mặt, vào hệ thống ngân hàng,… mà sử dụng nhiều hơn các công cụ và thị trường tài chính khác, thậm chí còn lấn sâu vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề có uy tín trong xã hội một cách tinh vi, đa dạng và quy mô hơn.
Theo đánh giá của công ty Luật Minh Khuê, trong quá khứ, công nghiệp rửa tiền đã được thêm nhiều... “cú hích” do các thay đổi về thể chế và chính sách tài chính cũng như những tiến bộ về công nghệ như:
Thứ nhất, hầu hết mọi quốc gia đều nới lỏng kiểm soát ngoại hối, nhất là từ đầu những năm 1990. Ở nhiều nước, việc đổi nội tệ ra ngoại tệ và ngược lại là hoàn toàn tự do. Các công cụ tài chính mới như các loại hợp đồng chứng khoán đã xuất hiện, từ đó, một lượng tiền (sạch hay bẩn) khổng lồ, có thể được chuyển từ nước này sang nước khác một cách dễ dàng.
Thứ hai, tiến độ mở cửa kinh tế ở hầu hết các nước đều tăng vọt trong khoảng 15 năm trở lại đây, thị trường tài chính, đặc biệt là vốn trở nên thông thoáng hơn, khiến lượng tiền lưu hành toàn cầu đã tăng vọt, tạo cơ hội và cách thức để đưa tiền bẩn vào luồng tiền sạch.
Thứ ba, cạnh tranh thu hút vốn ngày càng kịch liệt giữa các nước, các công ty phát hành chứng khoán, các ngân hàng và các loại định chế tài chính trung gian khác. Đây cũng là sự kiện làm những người rửa tiền quan tâm, vì họ biết rõ sớm muộn gì cũng có ngân hàng, hay các tổ chức tài chính sẵn sàng nhận tiền mà không cần biết nguồn gốc.
Biến đổi trong kỷ nguyên số
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính cấp cao cho biết, trước đây, hình thức rửa tiền chủ yếu thông qua việc mua các bất động sản, cổ phiếu, hoặc chuyển tiền cho người thân gửi tiết kiệm ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng rửa tiền còn lập các công ty bình phong, thông qua hoạt động của những công ty này và chế biến tiền bẩn thành tiền sạch. Hay một hình thức khác nữa, đó là chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư núp bóng.
Tuy nhiên, với đà phát triển công nghệ như hiện nay, việc chuyển tiền ngày một đa dạng và cũng phức tạp hơn rất nhiều. Một số hình thức mới có thể kể đến như:
Thứ nhất, hình thức chuyển tiền thông qua ngân hàng trực tuyến, có nhiều hoạt động gián tiếp mà không cần phải có chủ tài khoản trực tiếp giao dịch. Vì vậy, không thể biết được chính xác người đang thực hiện giao dịch có phải chủ tài khoản hay không.
Thứ hai, trên nền tảng thương mại điện tử diễn ra hoạt động mua bán rất đa dạng, phong phú nhưng không cần phải cho biết người mua bán là ai. Từ đó, có thể chuyển được một lượng tiền rất lớn để mua bán hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không nắm bắt được thông tin giao dịch rõ ràng.
Thứ ba, sự ra đời của tiền kĩ thuật số với hơn 3.000 đồng tiền ảo trên thị trường, thì việc mua bán, giao dịch tiền ảo giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng không cần thông qua các cơ quan ngân hàng trung gian, hay sự giám sát của bất kỳ một cơ quan quản lý Nhà nước nào. Cho nên mối quan ngại về việc rửa tiền và tài trợ khủng bố bằng tiền ảo là rất lớn và không thể xem nhẹ.
Thứ tư, hình thức phổ biến hiện nay nữa đó là cờ bạc trực tuyến, lợi dụng truyền thông xã hội để thực hiện cho vay ngang hàng hoặc đầu tư trực tuyến trên các mạng lưới khác nhau. Từ việc thành lập tài khoản trung gian kêu gọi người khác đầu tư mà các cơ quan quản lý cũng như không thể kiểm soát hết được, cũng tạo cơ hội để chuyển hóa tiền bất hợp pháp thành tiền hợp pháp.
Nhận diện hành vi
Cũng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, hiện nay hình thức rửa tiền qua nền tảng trực tuyến ngày càng đa dạng và các thủ đoạn trở nên tinh vi, linh hoạt hơn của các nhóm tội phạm. Nhưng nhìn chung, giữa các hình thức rửa tiền trực tuyến thì luôn có một số điểm chung như: đối tượng rửa tiền phải làm thế nào để tập hợp và định vị được những khoản thu nhập bất hợp pháp ở một địa điểm cụ thể, sau đó mới thực hiện hành vi rửa tiền. Kế đó là quy trình rửa tiền, đây là bước biến đồng tiền bẩn thành đồng tiền sạch, thông qua một phương tiện hoặc một hình thức đầu tư hoặc thương mại cụ thể. Cuối cùng là giai đoạn hòa nhập, nghĩa là đưa đồng tiền đã được làm sạch trở lại hoạt động của nền kinh tế, trong chu trình bình thường.
Về điểm riêng biệt, thì mỗi một hình thức sẽ có một đặc điểm khác nhau, trong đó, rửa tiền dựa trên công nghệ cao, phải bao hàm những hoạt động có thể lôi kéo được một số đông người tham gia, hoặc có được những tài khoản ấn danh thông qua hệ thống tiền kĩ thuật số mà Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng ở các quốc gia khó có thể kiểm soát.
“Ngay cả hoạt động cờ bạc trên mạng xã hội,ở một số quốc gia cho phép thực hiện nhưng khi đã lên mạng xã hội và đi ra thị trường tài chính quốc tế, thì gần như không được các cơ quan kiểm tra, giám sát, từ đó dẫn đến việc dễ dàng biến những đồng tiền bẩn thành đồng tiền sạch và tiếp tục đưa vào vòng trung chuyển tiền tệ trong nền kinh tế”, vị PGS cho biết.
Điểm mặt một số vụ án lớn về rửa tiền, có thể kể đến như, cuối năm 2020, cơ quan công an TP. Hà Nội đã triệt phá đường dây tội phạm thành lập nhiều công ty, để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng. Hay vụ rửa tiền gây xôn xao cộng đồng năm 2018, tại công ty CP Địa ốc Alibaba, các đối tượng tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân vẽ dự án "ma" sau đó bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong vụ việc này, hơn 6.700 khách hàng đã giao dịch để Công ty CP Địa ốc Alibaba thu hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là những vụ rửa tiền không hoàn toàn thông qua nền tảng công nghệ.
Trong khi đó, vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ" xảy ra vào năm 2018 đã từng gây chấn động khắp cả nước, thì hoàn toàn sử dụng công nghệ cao để tổ chức. Vụ án do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online) cầm đầu, đã tạo đường dây đánh bạc nghìn tỷ và các đối tượng đã cùng bị truy tố về 2 tội "Tổ chức đánh bạc" lẫn "Rửa tiền".
Có thể bạn quan tâm
Cảnh báo 6 thủ đoạn lừa đảo người dùng giao dịch Tài chính - Ngân hàng
04:42, 07/08/2021
[eMagazine] “Ma trận” sàn đầu tư online lừa đảo: Tiền ảo – Thiệt hại thật!
18:34, 09/07/2021
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức chuyển nhầm tiền
05:30, 06/07/2021
Làm sao để tránh lừa đảo khi giao dịch ngoại hối?
08:03, 05/07/2021
5 dấu hiệu lừa đảo trong đầu tư và cách đối phó
04:50, 04/07/2021