Nguy cơ rửa tiền trong không gian tiền điện tử
Sự bùng nổ của thị trường tiền điện tử, NFT hay tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) đã dấy lên mối lo ngại về nguy cơ rửa tiền, thách thức các nhà quản lý trong việc chống lại mối đe dọa.
Bùng nổ nguy cơ rửa tiền
Mã thông báo không thể thay thế (NFT) bùng nổ phổ biến trong những năm gần đây, được sử dụng để đại diện cho các sản phẩm mang tính biểu tượng, các bản phát hành độc quyền của âm nhạc, hội hoạ,... Ngoài ra, NFT cung cấp xác thực cho nhiều loại tài sản khác bằng những chứng chỉ xác thực, dựa trên Blockchain cho các mục đó.
Cơn sốt tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số gắn liền với NFT đã tạo ra một thị trường đáng kể, trị giá hơn 250 triệu USD vào năm 2020. Sự gia tăng mạnh mẽ này của thị trường liên quan đến NFT đã làm dấy lên lo ngại đáng kể về việc các công cụ này được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động rửa tiền.
Thực tế, các quy định chống rửa tiền đã hạn chế đáng kể dòng tiền bất hợp pháp, thông qua các cơ chế của ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, sự sáng tạo trên thị trường NFT, cùng với sự phát triển của tiền kỹ thuật quốc gia (CBDC), song song với tiền điện tử, sẽ khiến các chuyên gia chống rửa tiền và ngành tài chính toàn cầu phải quan tâm rất nhiều.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số cho biết, những đối tượng rửa tiền truyền thống thường là các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng tiền mặt qua các giao dịch và các công ty vỏ bọc. Tuy nhiên, sự ra đời của thanh toán kỹ thuật số và các hình thức Fintech khác, đã thúc đẩy nhiều cơ chế rửa tiền bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Cụ thể, khả năng chuyển từ các quỹ tiền điện tử ngay lập tức, mà không cần sự cho phép hoặc chấp thuận từ hệ thống ngân hàng truyền thống, đã hấp dẫn các tác nhân cho mục đích bất hợp pháp.
Tương tự, nghệ thuật cũng đã từng hoạt động như một công cụ cho những kẻ rửa tiền trong lịch sử. Việc mua và bán tác phẩm nghệ thuật có thể giúp cung cấp tiền cho những cá nhân tìm cách rửa tiền, bất kể vì động cơ chính trị hay tài chính của họ. Một ví dụ thường được trích dẫn trong thế giới nghệ thuật là bức tranh Hannibal của Jean-Michel Basquiat, được thu hồi vào năm 2008, sau khi bị buôn lậu vào Mỹ như một phần của kế hoạch rửa tiền bất hợp pháp.
Chính vì vậy, thị trường NFT mở ra một bước tiếp theo cho những kẻ rửa tiền tìm cách che giấu các hoạt động tài chính khỏi các cơ quan quản lý. Sự quan tâm đáng kể đến NFT dựa trên nghệ thuật, đã tạo ra một môi trường bùng nổ chín muồi cho các tác nhân nguy hại.
“Ngày nay, sự tập trung ngày càng tăng vào các tài sản hướng đến quyền riêng tư trong không gian kỹ thuật số, đã khiến các nhà quản lý gặp khó khăn khi tìm cách bắt kịp với sự đổi mới của Fintech. Khả năng sử dụng tiền fiat bất hợp pháp hoặc kỹ thuật số để mua các NFT nghệ thuật, thể hiện bước đầu tiên của hoạt động rửa tiền. Sau đó chuyển đổi số tiền thu được thành tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, điều này có tác động đáng kể đối với những kẻ rửa tiền cũng như các cơ quan quản lý của Chính phủ”, vị chuyên gia phân tích.
Từ đó, cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng tương tác của CBDC giữa các quốc gia, trong bối cảnh, các quốc gia đang đọ sức với nhau trên các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội. Đến nay, CBDC đã được sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt và phá vỡ ảnh hưởng kinh tế của các quốc gia khác trong một khu vực. Do đó, các nhà quản lý phải bắt đầu xem xét các ngành công nghiệp kỹ thuật số, bao gồm các NFT nghệ thuật và cả CBDC để xây dựng luật pháp, nhằm hỗ trợ các nỗ lực chống rửa tiền có nguy cơ bùng phát.
Bằng cách bắt kịp với sự đổi mới, các cơ quan quản lý tài chính và các tổ chức tư nhân có thể giúp đưa ra các phản ứng chính sách hiệu quả, nhằm duy trì lợi ích của thế giới kỹ thuật số trong khi giữ cho hành vi của các tác nhân đe dọa ở mức tối thiểu.
Mở rộng thanh toán xuyên biên giới
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã khởi động một dự án mới dựa trên Blockchain, để hợp lý hóa quy trình thanh toán xuyên biên giới bằng cách sử dụng CBDC.
Theo đó, MAS đang làm việc trong dự án mang tên Dunbar hợp tác với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), bao gồm một nhóm các Ngân hàng Trung ương khác cũng quan tâm đến phát triển CBDC. Dự án Dunbar sẽ được phát triển dựa trên các thử nghiệm trước đây về các dự án tương tự liên quan đến CBDC trong BIS.
Vào tháng 7, MAS được cho là đã hoàn thành mô phỏng thành công một giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới giữa mình và ngân hàng Banque de France (Pháp). Thử nghiệm dẫn đến việc chuyển đổi gần như tức thì CBDC từ Đô la Singapore sang đồng Euro (EUR).
BIS giải thích, mục tiêu của dự án là tạo ra một nền tảng thanh toán xuyên biên giới hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và dễ tiếp cận hơn, cho phép sự tham gia kinh tế toàn cầu, từ ngay cả những công dân có mức thu nhập thấp nhất. Nếu thành công, dự án Dunbar sẽ kết nối nhiều Ngân hàng Trung ương trên một nền tảng chung, cho phép tương tác trực tiếp với nhau 24/7 và tạo điều kiện cho các khoản thanh toán xuyên biên giới tức thì.
Andrew McCormack, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Đổi mới BIS tại Singapore cho biết trên zycrypto.com, Dunbar cũng nhằm mục đích minh họa sức mạnh và tính hữu ích của một nền tảng dành cho CBDC. “Một nền tảng thanh toán toàn cầu duy nhất sẽ có hiệu quả cao, giống như cách thức thanh toán tập trung đã cho phép giao dịch trong nước được thực hiện ngay lập tức, thường xuyên và miễn phí cho người dùng”.
Còn theo Sopnendu Mohanty, Giám đốc Fintech của MAS, sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ, là một trong những mục tiêu trụ cột của MAS, cũng bao gồm giải quyết chi phí cao liên quan đến kiều hối.
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Singapore quan tâm sâu sắc đến không gian này, bởi vì chúng tôi thực sự muốn giảm chi phí thanh toán xuyên biên giới và sử dụng cấu trúc thử nghiệm CBDC bán buôn”, ông nói.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Singapore đã có những thử nghiệm CBDC thành công khác trong quá khứ. Vào năm 2019, sự hợp tác giữa dự án Ubin của Singapore và Dự án Jasper của Ngân hàng Trung ương Canada, đã dẫn đến việc thanh toán xuyên biên giới thành công, từ một ngân hàng địa phương ở Singapore sang một ngân hàng địa phương khác ở Canada. Tuy nhiên, trong thử nghiệm này, cả hai Ngân hàng Trung ương đều sử dụng mạng riêng của họ, Singapore sử dụng Blockchain Quorum và Canada trên Blockchain Corda.
Giám đốc Fintech tại MAS coi thử nghiệm trên nền tảng chia sẻ với Pháp là đột phá và có khả năng thúc đẩy thế hệ đổi mới tiếp theo trong thanh toán xuyên biên giới dựa trên CBCD. Nền tảng thanh toán khu vực có thể cho phép giao dịch trực tiếp với các loại tiền tệ khác nhau, cải thiện tính thanh khoản ngoại hối và cho phép thanh toán khu vực nhanh hơn, rẻ hơn. Các đối tác chính thức khác trong dự án Dunbar dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/9/2021.
Tuy nhiên, trước sự quan tâm cao độ trong việc thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng, với chi phí thấp và phương pháp dễ dàng, thì các cơ quan quản lý cũng cần đề cao những phương án cho việc phòng chống rửa tiền. Không gian kỹ thuật số là một trong những cửa ngõ rộng mở cho hoạt động rửa tiền, trong khi hành vi bất hợp pháp luôn có các thủ đoạn tinh vi, dẫn trước những xu hướng còn đang mông lung về pháp lý.
Có thể bạn quan tâm
Những câu hỏi cơ bản nhất về NFT
05:00, 14/08/2021
"Cơn mê" NFT - Tài sản số không thể thay thế lan rộng nhiều lĩnh vực
16:00, 11/08/2021
Cuộc đua CBDC sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính toàn cầu?
05:20, 12/01/2021