Thị trường P2P Lending gặp khó vì đại dịch
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài, hiện tượng “bùng nợ” gia tăng đáng kể khiến nhiều công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) phải hoạt động cầm chừng để đảm bảo an toàn.
Theo số liệu từ một nhóm nhà nghiên cứu, dựa trên phản hồi của hơn 1.400 công ty công nghệ tài chính (Fintech) trên169 quốc gia, trong đó, hoạt động cho vay kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số và huy động vốn kỹ thuật số là những vấn đề được đề cập nhiều nhất hiện nay. Cụ thể, thị trường Fintech toàn cầu đang phát triển, nhưng hiệu suất không đồng đều. Các công ty Fintech từ những khu vực phải giãn cách vì COVID-19 nghiêm ngặt hơn, đã có khối lượng giao dịch cao hơn.
Đến nay, khoảng 60% các công ty Fintech đang tung ra sản phẩm, dịch vụ và tính năng mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ ra rằng, họ cần hỗ trợ nhiều hơn về quy định, đặc biệt là trong vấn đề e-KYC (định danh điện tử khách hàng) và tích hợp từ xa. Hầu hết các công ty vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý, song, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang tích cực đưa ra những biện pháp can thiệp cụ thể đối với Fintech, để hỗ trợ lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, P2P Lending (cho vay ngang hàng) đã đang trở thành xu hướng tất yếu trên thị trường. Mô hình này được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá là giải pháp cần thiết mang đến cho nhà đầu tư thêm một sự lựa chọn mới, tạo ra những kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển cân bằng nền kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Về bản chất, P2P Lending là kết nối người vay và người đầu tư thông qua ứng dụng theo mô hình: nhà đầu tư - ứng dụng (app) - người vay. Khách hàng vay vốn có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp và là nguồn mang lại lợi nhuận cho cả nhà đầu tư đến từ lãi vay và lợi nhuận cho app (công ty cung cấp dịch vụ) thông qua biểu phí. Do đó, chất lượng người vay đóng vai trò quyết định đến độ an toàn của mô hình, đảm bảo lãi cho nhà đầu tư và sự tồn tại của công ty P2P Lending. Tuy nhiên, điều quan trọng cần xác định ở đây là, người vay trong mô hình này thường không tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng vì nhiều lý do, có thể do vay trong ngắn hạn, thủ tục phức tạp, hồ sơ xấu, cần vay ngay,...
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội chặt chẽ, cá nhân hay doanh nghiệp đi vay sẽ khó có khả năng chi trả được mức lãi cho nhà đầu tư, trong khi đó, mô hình P2P Lending thường có lãi suất khoảng 18%/năm tương đương 1,5%/tháng, cùng với phí cho công ty P2P Lending, tùy công ty mà mức phí này nhiều hay ít. Chính vì vậy, việc thẩm định khách vay, đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng cũng gặp nhiều thách thức hơn. Bản thân người vay cũng không dự đoán được tình hình diễn biến về giãn cách, hoạt động kinh doanh bị đình trệ do yếu tố khách quan tác động.
Nợ nần chồng chất khiến các cá nhân, hộ gia đình dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Mất việc làm và suy thoái kinh tế đang khiến nhiều khu vực ngày càng khó đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Trong khi đó, khả năng tiếp cận rộng hơn với các dịch vụ tài chính cũng không được theo sau, bởi những nỗ lực trong việc cung cấp kiến thức về giáo dục tài chính.
Nếu tìm hiểu ở các hội nhóm bùng app, trốn nợ vay trực tuyến trên mạng xã hội sẽ thấy, số lượng thành viên tăng thêm đáng kể, nhiều người chia sẻ lý do phải bùng vì giãn cách xã hội, lương giảm, không làm ra tiền nên không có khả năng thanh toán. Thậm chí, mục tiêu của nhiều người là làm sao vay được để cầm cự, để sống, lãi lời tính sau. Nhiều người có hồ sơ “sạch, đẹp” nhưng do hoàn cảnh hiện tại, họ dễ dàng biến thành “thành viên bùng nợ” bất đắc dĩ mà các công ty P2P Lending khó có thể phát hiện. Quan trọng hơn, việc thu hồi nợ xấu đối với người vay cũng khó triển khai.
Đối với nhà đầu tư thì việc lãi suất 18%/năm, có những app đang quảng cáo tới gần 20%/năm là con số rất hấp dẫn so với lãi suất gửi ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trước khi đầu tư, cần tìm hiểu thật kỹ về nơi mình định bỏ vốn, nghiên cứu qua nhiều kênh thông tin đa chiều, cũng như nhận định về tình hình kinh tế, xã hội trong trung và dài hạn.
Đối với các công ty P2P Lending hiện nay, mặc dù đang gặp thách thức vì đại dịch, nhưng đây cũng là cơ hội để nâng cao hơn nữa năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho đảm bảo. Nếu không, khi nợ xấu xảy ra, các công ty này sẽ phải “gánh” khoản lãi 18-20%/năm của người vay cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tài chính công ty, thậm chí, chỉ một số nhà đầu tư đến hạn không nhận được lãi/gốc, sẽ dễ dẫn đến sụp đổ hệ thống.
Có thể thấy, cũng vì giãn cách xã hội kéo dài và dày đặc, nên một số dự án, công ty P2P Lending, cầm đồ công nghệ, cho vay ứng lương,... chuẩn bị ra mắt đã phải xem xét lại kế hoạch và lùi ngày khai trương. Cùng với đó, việc thẩm định, đánh giá hồ sơ khách vay online trở nên phức tạp, các chiêu lừa đảo làm đẹp hồ sơ ngày càng tinh vi. Không ít người xác định xây dựng hồ sơ vay mượn thật đẹp để “bùng”, với niềm tin các công ty P2P Lending không thể đòi nợ hoặc giãn cách xã hội có muốn đòi cũng khó. Đối với thẩm định trực tiếp (offline) thì gần như đóng băng bởi tình hình giãn cách có thể còn tiếp diễn.
Mặt khác, sự lộng hành của các app tín dụng đen trên thị trường bất chấp mọi hoàn cảnh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty có quy mô và hoạt động nghiêm túc. Điều này, ít nhiều dẫn đến lệch lạc quan điểm về một lĩnh vực tiềm năng, có hiệu ứng tích cực như P2P Lending trong môi trường kinh tế đầy biến động.
Có thể bạn quan tâm