Hàn Quốc đóng cửa nhiều sàn giao dịch tiền điện tử, thị trường lao dốc
Dự kiến sẽ có 40/63 sàn giao dịch tiền điện tử tại xứ sở Kim Chi sẽ phải đóng cửa do không đáp ứng các điều kiện hoạt động. Thông tin này tiếp tục làm thị trường tiền điện tử lao dốc.
Cụ thể, theo thông báo của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), các sàn giao dịch tiền điện tử tại Hàn Quốc sẽ phải đáp ứng các điều kiện cần thiết để được cấp phép hoạt động trước ngày 24/9.
Nếu các sàn giao dịch này không đáp ứng yêu cầu của FSC, sẽ có 40/63 sàn giao dịch tiền điện tử sẽ phải đóng cửa. Cho Yeon-Haeng, Chủ tịch Liên đoàn đầu tư tài chính Hàn Quốc, cho biết: “Các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn khi giao dịch bị đình chỉ và tài sản bị đóng băng tại nhiều sàn giao dịch này vì bảo vệ khách hàng có thể sẽ không phải là ưu tiên của những sàn giao dịch đang đối mặt với việc phải đóng cửa”.
Tính đến ngày 20/9, chỉ có 28 sàn giao dịch — trong số 63 sàn giao dịch trong nước — đã nhận được chứng nhận từ Cơ quan An ninh và Internet Hàn Quốc (KISA), đây là bước đầu tiên để có được sự chấp thuận cuối cùng từ FSC. FSC cho biết 35 sàn giao dịch còn lại khó có thể tuân thủ thời hạn chót.
Henri Arslanian, đối tác và nhà lãnh đạo tiền điện tử tại công ty tư vấn PwC có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, ngành công nghiệp tiền điện tử trên toàn thế giới trong nhiều năm đã “vận động hành lang để có khuôn khổ quy định rõ ràng”. Nhiều nhà lãnh đạo tiền điện tử hoan nghênh các quy tắc đơn giản bởi vì “hoạt động trong các khu vực xám khiến việc điều hành công việc trở nên khó khăn, từ gây quỹ đến mở tài khoản ngân hàng,” Arslanian lưu ý.
Tuy nhiên, việc đóng cửa nhanh chóng của hơn một nửa các sàn giao dịch tiền điện tử của Hàn Quốc có thể mở đường dễ dàng cho các độc quyền tiền điện tử xuất hiện, mà một số người cho rằng có thể gây hại cho các nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh thông tin FSC thông báo đóng cửa các sàn giao dịch, thị trường tiền điện tử liên tục hứng chịu nhiều thông tin tiêu cực, trong đó có việc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde đã nêu những quan điểm cứng rắn của mình về thị trường tiền điện tử cũng như Bitcoin. Theo bà Lagarde, tiền điện tử không thể được coi là một loại tiền tệ bởi tính đầu cơ cao và nhiều rủi ro, ngoài ra còn gây tiêu tốn nhiều năng lượng. Vị Chủ tịch ECB cho rằng, các đồng tiền ổn định (stablecoin) đang phát triển rầm rộ cần phải có các chế tài quản lý và được giám sát chặt chẽ.
Không chỉ châu Âu mà chính quyền Mỹ cũng xem các đồng stablecoin là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Theo bản báo cáo vào ngày 16/09 của Bloomberg, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa đồng Tether và một số đồng stablecoin vào tầm ngắm để áp đặt các hạn chế trong thời gian tới. Bên cạnh các đồng stablecoin, các nền tảng cho vay (lending) cũng sẽ bị các cơ quan hành chính của Mỹ giám sát chặt chẽ.
Thị trường tiền điện tử tính đến trưa ngày 20/9 cho thấy khung cảnh ảm đạm khi BTC lao dốc xuống vùng 45.500 USD/BTC giảm 5,25% trong 24 giờ qua, kéo theo cả thị trường chìm trong sắc đỏ. Đồng Ethereum (ETH) sụt giảm hơn 7% trong 24 giờ xuống 3.180 USD/ETH, giảm 2,68% trong 7 ngày qua. Khối lượng giao dịch 24 giờ trên thị trường cũng giảm còn 82,78 tỷ USD, thấp hơn 7,12% so với ngày 19/9.
Có thể bạn quan tâm
Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 1): Xu thế của thời đại
05:00, 20/09/2021
Luật Bitcoin tại El Salvador sẽ bị dỡ bỏ?
04:30, 19/09/2021
Cơn sốt bất động sản ảo trên nền tảng NFT
05:00, 18/09/2021
El Salvador rối ren vì Bitcoin
05:00, 15/09/2021