Bitcoin giảm sâu, thị trường tiền điện tử ngập sắc đỏ
Bitcoin giảm sâu về mốc 39.600 USD/BTC chỉ trong 24 giờ, đây là mức giá thấp nhất từ đầu tháng 8 khiến các altcoin cũng lao dốc mạnh, đưa vốn hoá toàn thị trường xuống dưới 1.800 tỷ USD.
Thị trường ngập sắc đỏ
Giá Bitcoin (BTC) tiếp tục giảm trong 24 giờ qua khi tài sản này lần đầu tiên bán phá giá xuống 39.600 USD/BTC. Theo dữ liệu từ Bitstamp, đây là mức giá thấp nhất kể từ ngày 5/8. Mới chỉ cuối tuần trước, BTC còn giao dịch trên 48.000 USD, nhưng tình hình đã thay đổi mạnh mẽ khi câu chuyện Evergrande diễn ra. Bitcoin, cũng như các thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu giảm giá trị.
Các đồng tiền thay thế cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Ethereum là một trong những đồng tiền giảm giá đáng kể nhất khi chỉ còn 2.650 USD/BTC. Mặc dù đã bật tăng trở lại nhưng vẫn chỉ giao dịch dưới mốc 3.000 USD.
Còn Binance Coin (BNB) đã đạt đỉnh trên 500 USD/BNB vào đầu tháng 9, thì nay đã giảm xuống còn 360 USD. Solana (SOL), một trong những “nghệ sĩ” có màn trình diễn ấn tượng nhất trong tháng qua đã giảm thêm 6% và đứng dưới 135 USD/SOL. Polkadot giảm 4%, Terra giảm 1,5%, Uniswap giảm 5,5% và Chainlink giảm 4%.
Cardano, Ripple và Dogecoin đã bị đình trệ kể từ ngày 21/9, trong khi Avalanche (AVAX) là altcoin vốn hóa lớn duy nhất có mức tăng ấn tượng, tăng 4,5% trong một ngày lên thêm 65 USD.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử giảm xuống dưới 1,8 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa là nó đã mất khoảng 400 tỷ USD kể từ mức cao trong cuối tuần trước.
Các chuyên gia thị trường đang nói về nhiều lý do đằng sau việc giảm giá. Một số người coi việc El Salvador áp dụng Bitcoin là một trong những lý do, khi nhiều người đang đổ lỗi cho các yếu tố kỹ thuật về những diễn biến gần đây và cho rằng sự sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
“Đây cũng được coi là mức giảm mạnh nhất mà Bitcoin từng trải qua trong lịch sử. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi nó đã tạo ra rất nhiều vấn đề và thách thức trên thị trường giao dịch”, một vị chuyên gia đánh giá.
Hiệu suất của các sàn giao dịch bị ảnh hưởng
Một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất trên toàn cầu đã gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình sụt giảm. Khi các sàn như Coinbase, Bitspanda, Kraken, Gemini, OKEx và nhiều sàn khác, đã gặp trục trặc khi các đợt bán tháo lớn diễn ra. Bất cứ khi nào Bitcoin gặp sự cố, hầu hết mọi người đều đổ xô đến các sàn giao dịch tiền điện tử để bán tài sản kỹ thuật số của họ với hy vọng vớt vát tài sản. Trong những trường hợp như vậy, lưu lượng truy cập lớn trên sàn ảnh hưởng đến máy chủ và gây tắc nghẽn hệ thống.
Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thị trường đã tweet rằng: “Sự gia tăng đột ngột của lưu lượng truy cập và hoạt động thị trường chưa từng có đã dẫn đến sự xuống cấp của các máy chủ của Coinbase. Vì lý do này, việc quyết toán tiền sẽ bị trì hoãn”.
Còn theo Giám đốc điều hành của Mudrex giải thích trên Ambcrypto, có tới 329.483 giao dịch đã được thanh lý chỉ trong 24 giờ. Theo ông, những đợt thanh lý này xảy ra khi tài khoản của các nhà giao dịch hết tiền và số dư tài khoản gần như sắp âm. Khi sự sụt giảm nghiêm trọng như vậy xảy ra, nhiều nhà đầu tư bắt đầu bán hoảng loạn, khiến giá càng giảm mạnh.
Trong khi nhiều sàn giao dịch tiền điện tử gặp phải sự cố và gặp phải tình trạng ngừng hoạt động, thì những sàn giao dịch khác đã cố gắng duy trì hoạt động trực tuyến trong suốt thời gian qua. Điển hình là sàn giao dịch Bitsgap vẫn đứng vững. Nền tảng này vẫn hoạt động đầy đủ suốt cả ngày và xử lý hơn 15 triệu đơn đặt hàng trong vòng 24 giờ. Nó lên tới 625.000 lệnh mỗi giờ và gần 15.000 lệnh mỗi giây.
Những sự kiện này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của các công ty trong việc nâng cấp kịp thời và cần thiết cho máy chủ và đảm bảo công nghệ trong tình trạng hỗn loạn thị trường.
Bài học từ đổ vỡ
Bitcoin không còn xa lạ với việc giảm giá mạnh, nhưng những phát triển gần đây là một điều gì đó mới mẻ ngay cả đối với Bitcoin và toàn bộ thị trường tiền điện tử. Có rất nhiều điều có thể học được từ thực tế này.
Theo đó, việc giảm giá đã tạo ra vô số vấn đề cần chú ý. Nhiều người không chỉ mất khoản đầu tư, mà thậm chí một số người còn không thể truy cập vào sàn giao dịch của họ để làm bất cứ điều gì. Điều đó cho thấy các sàn giao dịch cần phải làm việc chăm chỉ hơn và phát triển hơn nữa nền tảng của họ, để đảm bảo chúng luôn cập nhật với nhu cầu của thị trường.
Mặt khác, về lịch sử, tháng 9 luôn là tháng biến động mạnh trong hàng thập kỷ qua, trong đó Bitcoin và không gian tiền điện tử tổng thể đã mang lại lợi nhuận âm. Nhà phân tích thị trường nổi tiếng Lark Davis cho rằng, xem xét biểu đồ giá lịch sử của Bitcoin, hai đợt tăng giá cuối cùng của năm 2013 và 2017 đã chứng kiến sự bán tháo vào tháng 7, sau đó là đợt tăng giá. Rồi một lần nữa là đợt bán tháo vào tháng 9, sau đó là đợt tăng giá lớn trong quý tiếp theo, tức là quý 4. Như vậy, trong tất cả các đợt tăng giá trước đó, Bitcoin đã kết thúc chu kỳ hàng năm theo hình parabol. “Hơn nữa, dữ liệu trên chuỗi cho thấy các nguyên tắc cơ bản tăng giá cho Bitcoin. Nguồn cung BTC trên các sàn giao dịch đã giảm kể từ mức cao nhất vào tháng 3 năm 2020”, Davis giải thích.
Có thể thấy, cơn chìm nổi của tiền điện tử đã rất rõ ràng, khiến nhiều người không khỏi hoảng loạn. Tuy nhiên, trước những sự cố xảy ra, các chuyên gia đều đưa ra khuyến nghị rằng, nhà đầu tư không nên quyết tâm bán tháo tài sản trước những cú rung lắc mạnh vì các nhịp điều chỉnh hay phục hồi là điều tất yếu.
Có thể bạn quan tâm
"Bom nợ" Evergrande đẩy Bitcoin xuống vực?
16:00, 21/09/2021
Luật Bitcoin tại El Salvador sẽ bị dỡ bỏ?
04:30, 19/09/2021
Bitcoin và xu hướng không thể cưỡng lại (Bài 2)
06:00, 29/07/2021
Google bỏ lệnh cấm quảng cáo Bitcoin, tiền điện tử vẫn tiếp cơn chìm nổi
11:20, 04/08/2021