Trung Quốc đưa khai thác tiền điện tử vào danh sách cấm
Một tài liệu công bố hôm 8/10 cho thấy, Trung Quốc đã thêm khai thác tiền điện tử vào danh sách dự thảo các ngành bị hạn chế đầu tư hoặc bị cấm.
Danh sách tiêu cực
Danh sách dự thảo được Reuters gọi là "Danh sách tiêu cực" nêu chi tiết các lĩnh vực và ngành không giới hạn đối với cả nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài.
Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử trong năm nay. Và gần nhất vào tháng trước ngân hàng trung ương của nước này tuyên bố sẽ thanh trừng các hoạt động tiền điện tử "bất hợp pháp". Cuộc đàn áp đã khiến các sàn giao dịch tiền điện tử đóng các tài khoản giao dịch của người dùng Trung Quốc.
Trung Quốc cũng thắt chặt kiểm soát hoạt động diễn thuyết của công chúng, trấn áp hoạt động kinh doanh biểu diễn vì "gây ô nhiễm" xã hội và yêu cầu các trình duyệt di động loại bỏ việc phát tán tin đồn, sử dụng các tiêu đề giật gân và xuất bản nội dung vi phạm các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội.
Nhà lập kế hoạch nhà nước cho biết họ đang ngừng đầu tư vốn "ngoài công lập" vào nhiều hoạt động xuất bản, bao gồm phát sóng trực tiếp, thu thập tin tức, biên tập và phát sóng và hoạt động của tin tức.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết danh sách dự thảo năm 2021 các ngành mà đầu tư bị hạn chế hoặc bị cấm đã được cắt giảm xuống còn 117, giảm từ 123 vào năm 2020.
Các ngành công nghiệp không có trong danh sách được mở để đầu tư cho tất cả mọi người mà không cần phê duyệt.
Di cư của các trại đào
Trung Quốc đã bắt đầu động thái siết chặt quản lý đối với việc khai thác tiền điện tử với lý do giảm ô nhiễm môi trường. Điều này đã khiến nhiều trại đào trong nước phải đóng cửa. Theo báo cáo, hơn 90% công suất khai thác Bitcoin của Trung Quốc ước tính sẽ bị đóng cửa. Trong khi theo một số báo cáo, hiện có khoảng từ 65% đến 75% tổng số hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc. Hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra chủ yếu ở bốn tỉnh của Trung Quốc: Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Sự sụt giảm của các thợ đào đã bắt đầu ở Nội Mông. Sau khi không đạt được các mục tiêu về khí hậu của Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo tỉnh đã quyết định cho những người khai thác Bitcoin hai tháng để dừng hoạt động, với nguyên nhân các mỏ khai thác tiền điện tử đã làm thiếu hụt năng lượng của Nội Mông.
Việc đóng cửa các trại đào đã dẫn đến cuộc di cư đến các quốc gia khác thân thiện hơn với tiền điện tử trong đó có Mỹ. Cơn sốt khai thác Bitcoin đã giúp một nhà máy nhiệt điện dùng khí đốt ở Dresden, New York hoạt động trở lại sau nhiều năm bỏ hoang. Một nhà máy điện dùng than đá khác ở Pennsylvania cũng hoạt động trở lại sau thời gian hoạt động cầm chừng.
Giới chuyên gia lo ngại, việc ngày càng có nhiều công ty đặt nhà máy khai thác Bitcoin tại Mỹ có thể dẫn đến ô nhiễm bầu khí quyển nhiều hơn, ngay cả ở những khu vực nhà máy sản xuất năng lượng sạch như điện mặt trời hay thủy điện.
Thực tế, các thợ đào Bitcoin đang đổ xô đến những nơi có thủy điện giá rẻ, bao gồm Đông Wenatchee, Washington và Plattsburgh. Việc khai thác tiền số tại đây tiêu tốn rất nhiều điện. Người dân địa phương cũng phải trả tiền điện theo giá mới cao hơn trước.
Mối liên hệ với CBDC?
Một số nhận định cho rằng việc Trung Quốc siết chặt quản lý với tiền điện tử, một phần nguyên nhân đến từ việc mong muốn mở đường cho đồng tiền điện tử pháp định của mình là Nhân dân tệ điện tử, hay tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).
Theo ông Nguyễn Sĩ Hoàng, Chuyên gia phân tích Blockchain cho rằng, việc Trung Quốc đàn áp thị trường tiền điện tử đây cũng là một cách để dọn đường cho đồng CBDC của Trung Quốc. Nhưng theo ông Hoàng, đây là hai mảng thị trường khác nhau.
“Bởi một bộ phận người dân Trung Quốc cũng chưa hiểu rõ về tiền điện tử và họ không muốn mạo hiểm với thị trường nhiều biến động như vậy việc họ sử dụng đồng CBDC là điều hoàn toàn dễ hiểu”, chuyên gia phân tích Blockchain cho biết.
Bản thân Trung Quốc trước khi ra mắt CBDC cũng là một quốc gia phi tiền mặt, người dân giao dịch qua mã QR là chủ yếu, do vậy việc ra đời CBDC sẽ giúp việc thanh toán thêm thuận tiện, cũng không phải điều quá mới lạ với người dân.
“Với thị trường tiền điện tử, CBDC ra đời không tác động mạnh lên Bitcoin, Bitcoin vẫn có sự tăng trưởng và thị trường riêng như Defi (tài chính phi tập trung), nên việc Trung Quốc cấm tiền điện tử sẽ chỉ khiến cho dòng tiền và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại Trung Quốc sẽ chuyển mọi hoạt động sang các quốc gia thân thiện với Bitcoin”, ông Nguyễn Sĩ Hoàng cho biết.
Trong tháng 9, cột mốc lịch sử đã được ghi nhận khi El Salvador là quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là đồng tiền quốc gia, trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều khi người dân quốc gia này phản đối. Nhưng đây là một bước tiến lớn trong sự phát triển của tiền điện tử. “Đây là một cột mốc quan trọng khi một quốc gia công nhận Bitcoin. Điều này có thể trở thành một làn sóng cho tương lai sẽ có thêm các quốc gia công nhận Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác”, ông Hoàng nhận định.
Tại thời điểm viết bài, theo dữ liệu của CoinGecko, giá Bitcoin hiện giao dịch ở ngưỡng 55.200 USD/BTC. Giá Bitcoin đã biến động trong tháng qua khi có thời điểm giảm sâu xuống dưới 40.000 USD/BTC. Tuy nhiên, xét dữ liệu trong thời gian qua, Bitcoin vẫn trong xu hướng tăng, bởi trong 1 năm qua nó đã tăng 407,2% so với cùng kỳ, và trong 30 ngày qua đã tăng 19,8%. Có thể thấy động thái siết chặt tiền điện tử của Trung Quốc từ tháng trước đến hôm nay, dường như chưa tác động lớn đến xu hướng thị trường của tiền điện tử.
Có thể bạn quan tâm
Sàn giao dịch tiền điện tử ngừng mở tài khoản mới cho người Trung Quốc
13:59, 27/09/2021
Trung Quốc nâng mức độ “khẩn cấp” các quy định trấn áp tiền điện tử
04:30, 26/09/2021
Các ngân hàng Trung Quốc khám phá tiền tệ kỹ thuật số
16:00, 01/09/2021