Facebook thử nghiệm ví điện tử nhưng không dùng đồng Diem
Facebook đã chính thức thử nghiệm ví điện tử Novi nhưng lại không dùng đồng Diem của mình cho người dùng thực giao dịch chuyển tiền, mà chọn một stablecoin khác...
Như vậy, sau một thời gian dài tuyên bố ra mắt tiền điện tử riêng của mình, Facebook giờ đây mới chính thức thử nghiệm ví điện tử Novi. Đáng tiếc, thay vì sử dụng đồng Diem, Facebook đã lựa chọn sử dụng stablecoin Paxos Dollar.
Theo đó, David Marcus, người đứng đầu ví Novi của Facebook, đã thông báo rằng công ty đã bắt đầu thử nghiệm ở các khu vực của Mỹ và Guatemala. Marcus cho biết người dùng có thể tải xuống ứng dụng trên iPhone hoặc Android và đăng ký bằng ID do chính phủ cấp.
Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử của Mỹ, đang cung cấp dịch vụ lưu ký cho Novi. Andreessen Horowitz, công ty đầu tư mạo hiểm, là nhà đầu tư vào Coinbase, và Marc Andreessen, người đồng sáng lập, có ghế trong Hội đồng Quản trị của Facebook.
Việc Facebook quyết định sử dụng một stablecoin hiện có thay vì Diem, đồng tiền điện tử mà Novi ban đầu được thiết kế để nắm giữ, phản ánh những khó khăn trong việc đưa dự án tiền kỹ thuật số do Facebook khởi xướng sau này.
Nói chung, toàn ngành đã phải đối mặt với các câu hỏi về bảo vệ người tiêu dùng, rửa tiền và ổn định tiền tệ. Nhưng các nhà quản lý đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về việc gã khổng lồ truyền thông xã hội dính bê bối vận hành tiền tệ của riêng mình kể từ khi công bố sáng kiến vào năm 2019, cùng với một nhóm ủng hộ bao gồm các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức phi lợi nhuận.
Marcus cho biết sự ủng hộ của công ty dành cho Diem “không thay đổi”, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi dự định chuyển ví sang mạng thanh toán của Diem khi nó nhận được sự chấp thuận theo quy định". Marcus cũng đưa ra dự định để Novi có thể tương tác với các ví điện tử khác trong tương lai.
Stablecoin, được gắn với các tài sản như đồng USD, đã là một đường dẫn quan trọng cho những khách hàng muốn chuyển từ tiền tệ fiat sang tiền điện tử. Nhưng Ủy ban Ổn định Tài chính Mỹ đã cảnh báo vào tháng 10 rằng một “stablecoin toàn cầu” có thể “thách thức tính toàn diện và hiệu quả của các phương pháp quản lý, giám sát và giám sát hiện có”.
Paxos Dollar là stablecoin lớn thứ tám, theo nhà cung cấp dữ liệu tiền điện tử CoinGecko. Nhưng nó chỉ chiếm chưa đến 1% trong ngành công nghiệp trị giá 130 tỷ USD do Tether dẫn đầu thị trường, tiếp theo là USD Coin, do Coinbase và công ty thanh toán Circle điều hành.
Paxos đã tự định vị mình là một đơn vị tiền tệ có trách nhiệm hơn và đã nhận được “sự chấp thuận có điều kiện sơ bộ” đối với điều lệ ngân hàng Mỹ từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ vào tháng Tư.
“Paxos đã mở đường cho tiền điện tử bằng cách xây dựng các giải pháp được quản lý trong các khuôn khổ đã thiết lập”, Walter Hessert, Trưởng bộ phận Chiến lược tại Paxos, đã viết trong một bài đăng trên blog. Marcus nói rằng Paxos Dollar đã được chọn vì dự trữ của nó được giữ 100% bằng tiền và các khoản tương đương tiền, cho phép người dùng dễ dàng rút tiền bằng nội tệ của họ.
Trong khi Paxos là đồng tiền được chọn lúc này, thì Diem do chính "cha đẻ" Facebook tạo ra ban đầu vốn hướng đến một loại tiền điện tử tổng hợp được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ và có trụ sở tại Thụy Sĩ, và sau đó Diem đã chuyển sang Mỹ để tập trung vào việc tung ra một loại stablecoin duy nhất được hỗ trợ một cho một bằng đồng USD. Những người ủng hộ tiền điện tử của Facebook bao gồm Coinbase và Andreessen Horowitz.
Tuy nhiên, một nhóm các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bao gồm Brian Schatz, Sherrod Brown, Richard Blumenthal và Elizabeth Warren hôm 19/10 đã kêu gọi Facebook đóng cửa dự án, cũng như Novi.
“Không thể tin tưởng vào Facebook để quản lý hệ thống thanh toán hoặc tiền tệ điện tử. Khả năng hiện có của Facebook để quản lý rủi ro và giữ an toàn cho người tiêu dùng đã được chứng minh là không đủ điều kiện”, các nghị sĩ đã viết trong thư gửi Mark Zuckerberg.
Có thể bạn quan tâm
Facebook Diem: Lùi một bước để tiến xa hơn?
05:00, 23/05/2021
Diem - Đồng tiền điện tử của Facebook đang ở đâu?
12:00, 29/04/2021
Khi nào Facebook ra mắt đồng Libra?
04:30, 30/11/2020