Bitcoin và dư chấn “ngốn” điện toàn cầu
Làn sóng di cư các thợ đào Bitcoin diễn ra đến đâu đã gây ra dư chấn thiếu điện đến đó, không chỉ vậy, hoạt động này còn làm tăng phát thải carbon, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
>> Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26
Biến đổi khí hậu nghiêm trọng sau đại dịch
Một phân tích mới của Dự án Carbon Toàn cầu - tập hợp các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, lượng khí thải carbon dioxide trên toàn cầu đã tăng trở lại sau các hạn chế do COVID-19 gây ra và có khả năng đạt gần mức trước đại dịch trong năm nay. Phát hiện đáng lo ngại này được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mới nhất của Liên hợp quốc tại Glasgow, diễn ra trong nỗ lực để cùng nhau ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu đang nguy hiểm.
Ở nhiều quốc gia, quá trình chuyển đổi năng lượng đang được tiến hành do chi phí giảm, khiến năng lượng tái tạo trở nên phổ biến và có giá cả phải chăng hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý để giảm phát thải khí metan và hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng. Hơn 40 quốc gia đã ký một thỏa thuận nhằm loại bỏ dần than trong sản xuất điện. Các bên ký kết bao gồm một số quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới như: Canada, Ba Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Ukraine và Indonesia. Còn các nền kinh tế lớn hơn cam kết ngừng sử dụng than trong các ngành điện của họ vào những năm 2030, trong khi các nền kinh tế nhỏ hơn hứa hẹn điều tương tự trong thập kỷ tiếp theo.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ về năng lượng tái tạo, sản xuất nhiệt điện than vẫn đang tăng trở lại sau đại dịch cả ở Đức và Mỹ. Riêng Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu mở rộng sản xuất than để giải quyết cuộc khủng hoảng cung cấp điện. Hầu hết các nước tiêu thụ than lớn nhất như Australia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi đã không tham gia thỏa thuận loại bỏ điện than tại Hội nghị COP26.
Lần đầu tiên vào năm 2020, Trung Quốc trở thành nước sở hữu hơn một nửa công suất điện than trên thế giới. Hiện vẫn còn 100 GW điện than đang được xây dựng và 160GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Một thực tế khác cho thấy, trong nhiều năm, Trung Quốc là nơi có tỷ trọng thợ đào Bitcoin lớn nhất trên thế giới và ngốn đáng kể nguồn năng lượng điện của quốc gia này. Vào tháng 8/2019, các công ty khai thác Bitcoin ở Trung Quốc đã tạo ra 3/4 Hashrate toàn cầu - một thước đo hoạt động khai thác tiền điện tử. Tới tháng 3/2021, tháng gần nhất mà dữ liệu quốc gia có sẵn tại Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Đại học Cambridge, thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống 46% khi quốc gia này tăng cường hạn chế đối với các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Đến giữa năm nay, khi Trung Quốc tích cực thực thi chống lại hoạt động khai thác tiền điện tử, đã khiến giá trị các đồng tiền sụt giảm và các thợ đào Bitcoin phải tách máy chủ của họ, vận chuyển tới các quốc gia có điện giá rẻ và môi trường pháp lý thân thiện hơn như Kazakhstan và Texas ở Hoa Kỳ.
Bitcoin “ngốn” điện ở nhiều quốc gia
Chính điều này đã gây ra hậu quả thiếu điện trầm trọng tại Kazakhstan. Theo báo cáo của Financial Times, các công ty khai thác tiền điện tử ở Kazakhstan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng trong bối cảnh khai thác tăng mạnh.
Hơn 87.849 giàn khai thác “sử dụng nhiều năng lượng” đã hoạt động từ Trung Quốc đến Kazakhstan, nhu cầu về điện của Kazakhstan đã tăng khoảng 8% kể từ đầu năm 2021, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1-2% hàng năm, mà nước này thường trải qua. Theo dữ liệu từ Đại học Cambridge, quốc gia này hiện đang ở vị trí số hai, chỉ sau Mỹ, là một trong những điểm khai thác tiền điện tử nóng nhất.
Tháng trước, ba nhà máy nhiệt điện than quan trọng nhất của Kazakhstan đã phải đóng cửa khẩn cấp. Trước sự cố ngừng hoạt động, trang tin Coindesk báo cáo rằng, Bộ Năng lượng của đất nước sẽ bắt đầu hạn chế các trang trại khai thác mới sử dụng hơn 100 MW trong vòng hai năm, nhưng sau đó đã lùi lại giới hạn này đối với các thợ khai thác hợp pháp.
Để giúp giảm thiểu tình trạng mất điện, Công ty Điều hành Lưới điện Kazakhstan (KEGOC) cũng cảnh báo, họ sẽ bắt đầu phân bổ nguồn điện cho 50 công ty khai thác tiền điện tử được chính phủ đăng ký. Ngoài ra, sự khủng hoảng điện còn đến từ một bộ phận lớn các thợ đào Bitcoin trái phép tại nước này, mà các chuyên gia ước tính, những thợ đào này đã tiêu thụ tới 1200 MW từ lưới điện của đất nước.
Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2022, Kazakhstan sẽ yêu cầu những người khai thác hợp pháp trả tiền 1 tenge Kazakhstan (0,0023 USD) cho mỗi kWh, vừa để giúp phân biệt những người khai thác đã đăng ký với những người khai thác trái quy định, cũng như giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện. Nhưng hiện tại, Kazakhstan đang phải dựa vào công ty năng lượng Nga Inter RAO, công ty đã đạt được thỏa thuận vào đầu tháng này, để cung cấp thêm năng lượng trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Ở khu vực phía nam của Kazakhstan đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi tình trạng thiếu điện. Coindesk cũng lưu ý rằng, tại đây có ít nhà máy điện và lưới điện chính đôi khi gặp khó khăn trong việc cung cấp điện cho khu vực.
Xive - công ty tiền điện tử có trụ sở tại Kazakhstan, cung cấp không gian và năng lượng cho các giàn khai thác của khách hàng gần đây đã buộc phải đóng cửa hơn 2.500 máy khai thác, do sự suy giảm năng lượng. Didar Bekbau, người đồng sáng lập công ty đã tweet trên trang cá nhân rằng: “Hơi buồn khi phải đóng cửa trang trại khai thác của chúng tôi ở phía nam Kazakhstan,quá nhiều công việc, con người và hy vọng bị hủy hoại."
Các vấn đề năng lượng liên quan đến tiền điện tử không chỉ giới hạn ở Kazakhstan. Iran, quốc gia cũng có một hệ thống dành cho các thợ mỏ được cấp phép đã cấm khai thác tiền điện tử từ tháng 5, như một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng mất điện. Trong khi đó, các công ty khai thác tiền điện tử đang di chuyển hàng loạt đến Texas (Mỹ) nhờ chi phí điện năng rẻ và các quy định được nới lỏng. Các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu điện sẽ đạt trên 5.000MW, điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Texas đã trải qua một đợt mất điện lớn vào đầu năm nay.
>> Tiền điện tử đỏ lửa, thành phố Bitcoin đầu tiên của El Salvador bị phản đối
"Lời hứa" của El Salvador
Theo nguồn tin từ Apnews, tại một nhà máy điện địa nhiệt gần núi lửa Tecapa của El Salvador, 300 chiếc máy tính đang thực hiện các phép tính toán phức tạp cả ngày đêm, để xác minh các giao dịch đối với Bitcoin. Dự án thử nghiệm này đã truyền cảm hứng cho làn sóng biểu tượng cảm xúc núi lửa từ Tổng thống Nayib Bukele, người đã đấu thầu hợp pháp Bitcoin vào tháng 9 và hứa hẹn về năng lượng tái tạo, giá rẻ cho hoạt động khai thác Bitcoin. Những hoạt động như vậy, bao gồm cả những hoạt động quy mô công nghiệp, đã bị chỉ trích gay gắt ở những nơi khác trên thế giới vì lượng điện khổng lồ mà họ sử dụng và kết quả là tạo ra lượng khí thải carbon đáng kể.
Bukele và nhiều người khác cho rằng, tài nguyên địa nhiệt của El Salvador tạo ra điện từ hơi nước áp suất cao, do nhiệt dưới lòng đất của núi lửa có thể là một giải pháp. Daniel Álvarez, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Thủy điện Rio Lempa cho biết: “Chúng tôi không sử dụng tài nguyên gây ô nhiễm môi trường, không phụ thuộc vào dầu mỏ, không phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, vào bất kỳ nguồn tài nguyên nào không thể tái tạo”.
Còn theo Brandon Arvanaghi, một nhà tư vấn khai thác Bitcoin đánh giá, điện giá rẻ và một chính phủ hỗ trợ, là hai yếu tố quan trọng để thu hút hoạt động khai thác Bitcoin.
Nhưng thực tế, bức tranh về tiền điện tử ở quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này lại phức tạp hơn nhiều. Bắt đầu từ sự ra mắt Bitcoin với đầy rẫy khó khăn khi Ví kỹ thuật số dự kiến sẽ sử dụng để thực hiện các giao dịch cơ bản gặp trục trặc, cùng nhiều lo ngại rằng tiền kỹ thuật số, vốn không được kiểm soát bởi chính phủ, sẽ dẫn đến hoạt động tội phạm.
Cho đến nay, Mỹ đã thắng lớn trong việc thu hút nhiều hoạt động khai thác Bitcoin hơn, đặc biệt là bang Texas, nơi có năng lượng tái tạo dồi dào và thị trường không bị kiểm soát. Việc khai thác Bitcoin ở El Salvador dường như sẽ có một chính phủ hỗ trợ ở Bukele, nhưng điện giá rẻ cho đến nay chỉ là một lời hứa. Bởi El Salvador vẫn phải nhập khẩu khoảng1/4 -1/5 lượng điện, phần còn lại được phân chia cho thủy điện, địa nhiệt và các nhà máy đốt bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, địa nhiệt chiếm khoảng 1/4 năng lượng của đất nước khi El Salvador có 23 ngọn núi lửa. Nhưng hiện tại, điện của El Salvador không được coi là giá rẻ.
Trang web GlobalPetrolPrices.com, công bố giá năng lượng bán lẻ trên khắp thế giới, trong đó, chi phí điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở El Salvador cao hơn mức trung bình toàn cầu. Vì thế, lời hứa của Bukele về nguồn điện giá rẻ để khai thác Bitcoin sau đó sẽ phải liên quan đến một khoản trợ cấp, ít nhất là cho đến khi công suất tái tạo được mở rộng và tỷ giá giảm.
Có thể bạn quan tâm
Thợ đào Bitcoin lũ lượt “di cư” khỏi Trung Quốc
05:25, 17/06/2021
Các công ty đào Bitcoin "điêu đứng" vì giá tiền ảo giảm mạnh
04:01, 26/11/2018
Dân đào Bitcoin tại Trung Quốc khốn khổ vì lũ cuốn trôi toàn bộ trâu cầy
13:00, 19/07/2018
Cần quy định cấm nhập máy đào bitcoin?
11:28, 22/10/2018